Thảo luận tại Tổ, các đại biểu khẳng định chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước; sau hơn 3 năm thực hiện đã góp phần giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình. Vì vậy, các đại biểu tán thành điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư, đồng thời đề nghị báo cáo đánh giá tác động phải thể hiện rõ những thay đổi tác động đến nguồn vốn, tính khả thi của việc giải ngân.
Về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), các đại biểu cơ bản nhất trí với chủ trương đầu tư dự án cao tốc trên để từng bước hoàn thiện mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Tham gia thảo luận tại Tổ, đại biểu Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ quan tâm đến chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), đại biểu nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án cao tốc phía Tây. Để triển khai thực hiện dự án đạt hiệu quả, đồng bộ, đại biểu kiến nghị đoạn kết nối từ nút giao cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có chiều dài khoảng 2 km nên đầu tư mở rộng thành 4 làn xe để phù hợp hơn, tránh ách tắc ở những nút giao, bảo đảm đồng bộ; đề nghị đánh giá đầy đủ tác động của dự án cao tốc đối với hai dự án BOT trước đây đã được đầu tư, trên tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14 song hành với đường cao tốc, từ đó có phương án để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư; đại biểu Nguyễn Đình Việt cho rằng thời hạn hoàn thành dự án cao tốc là năm 2026 khó khả thi và đề nghị nghiên cứu, xem xét điều chỉnh thời gian hoàn thành hợp lý.
Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Lê An, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng bày tỏ cơ bản nhất trí với các nội dung tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội. Đại biểu băn khoăn đối với danh mục đầu tư lĩnh vực văn hóa, cụ thể là đối với đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, hiện nay chưa có danh mục các di tích thuộc phạm vi, đối tượng đầu tư. Đại biểu kiến nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất danh mục các di tích để tránh chồng chéo với nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá.
Cùng với đó, các đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Lâm Đồng và Cà Mau tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 tại phiên thảo luận Tổ như cơ chế đặc thù thực hiện dự án đầu tư xây dựng cao tốc, thời gian thực hiện dự án cần được nâng lên, bảo đảm vốn ngân sách địa phương cho dự án cao tốc….