Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An: Cần đầu tư phát triển điện lưới khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn

Thứ tư - 29/05/2024 12:34
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 29/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội dành cả ngày làm việc để thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023.

Tham gia thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Lê An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch phát triển KT - XH giai đoạn 2021 - 2025. Để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các nhiệm vụ khác, những tháng còn lại của năm 2024 cần có sự quyết liệt hơn nữa từ Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp.

Về giải pháp để hoàn thành các mục tiêu phát triển KT - XH những tháng cuối năm 2024, đại biểu cơ bản đồng tình với đề xuất các cơ quan của Quốc hội, những đề xuất của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận hôm nay. Đồng thời, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; rà soát và có giải pháp hiệu quả để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư. Giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong các dự án trọng điểm quốc gia và các nhiệm vụ, mục tiêu khác.

Đặc biệt, xuất phát từ thực tiễn công tác tại cơ sở và tiếp thu các kiến nghị của cử tri tại địa bàn ứng cử, đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề đầu tư nguồn lực cho chương trình phát triển điện lưới khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, đặc biệt là khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Theo đại biểu, đưa điện về nông thôn miền núi, hải đảo là chủ trương được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm, tạo bước phát triển quan trọng trong công cuộc điện khí hóa nông thôn. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2081/QĐ-TTg, ngày 8/11/2013 phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020, tiếp đó là Quyết định số 1740/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020.

Đại biểu khẳng định, chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo không chỉ góp phần giảm nghèo mà còn đóng góp vào phát triển bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, giúp người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, quy mô và tập quán canh tác, nuôi trồng, tăng năng suất trồng trọt và chế biến nông, lâm sản, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Điện giúp các làng nghề truyền thống sử dụng máy móc thay thế sức người, phát huy sản phẩm cổ truyền và mở rộng ngành nghề mới. Cùng với đó, các phương tiện nghe nhìn được sử dụng ngày càng phổ biến trong các gia đình, góp phần cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao dân trí, đem lại những lợi ích cơ bản và lâu dài cho các địa phương, làm cơ sở để xây dựng nông thôn phát triển bền vững.

Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn nhiều địa bàn, xóm, bản tại những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Chỉ tính riêng tại tỉnh Cao Bằng với nhiều địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, nhu cầu được cấp điện đối với người dân tại các xóm vùng sâu, vùng xa là hết sức bức thiết. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 7.114 hộ chưa có điện, chiếm 5,47% tổng số hộ trong toàn tỉnh, đặc biệt là 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, số hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia còn cao (huyện Bảo Lạc 2.471 hộ, chiếm 22,51%; huyện Bảo Lâm 3.540 hộ, chiếm 28,66%).

Từ thực tế trên, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm huy động tối đa các nguồn lực; bố trí, cân đối các nguồn vốn từ đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia để tiếp tục đầu tư, thực hiện việc cấp điện cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kịp thời phân bổ vốn để hoàn thành các mục tiêu cụ thể nêu trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành kèm theo Quyết định số 262/QĐ-TTg, ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 100% hộ dân nông thôn, miền núi, hải đảo được sử dụng điện lưới quốc gia...

Tác giả: Lê Điệp (Phòng CT Quốc Hội)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm14
  • Hôm nay5,269
  • Tháng hiện tại135,157
  • Tổng lượt truy cập9,006,373
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây