Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành và nhân dân. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu, chỉnh lý ý kiến góp ý của các bộ, ngành và nhân dân, hiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh như: thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng…
Để có cơ sở xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 22/5/2023, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục lấy ý kiến các đại biểu về những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đóng góp ý kiến về: Cần có quy định cụ thể vấn đề tổ chức, cá nhân hiến tặng quyền sử dụng đất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hiến tặng quyền sử dụng đất cho tổ chức, cộng đồng dân cư, dòng họ... Bổ sung quy định về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách, trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế địa phương, bảo đảm tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Quy định rõ về kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện để tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước về đất đai và làm cơ sở cho việc thực hiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.
Xem xét, bổ sung thêm các trường hợp thu hồi đất quy định chi tiết tại Điều 77, Điều 78; chỉnh sửa điểm a, khoản 1, Điều 188 quy định nguyên tắc tập trung đất nông nghiệp thành “bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, tự nguyện, dân chủ”; bổ sung thêm phương thức “nhận tặng, cho quyền sử dụng đất nông nghiệp” tại khoản 2, Điều 189 quy định về các phương thức tích tụ đất nông nghiệp. Bổ sung thành phần tham gia tại Điều 229 hòa giải tranh chấp đất đai gồm: đại diện công chức địa chính, tư pháp, đại diện tổ, xóm… để có sự thống nhất trong thực hiện.
Tại các địa phương ở miền núi, vùng sâu, vùng xa có nhiều khu vực cần định giá đất nhưng trên thực tế không có giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc giao dịch rất ít và giá trên hợp đồng giao dịch phản ánh không đúng giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thực tế. Do đó, cần có những quy định để áp dụng nguyên tắc, phương pháp định giá đất trong những trường hợp này.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bế Minh Đức đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, ghi nhận đầy đủ và tổng hợp báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội.
Tác giả: Vũ Tiệp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn