Trên cơ sở các gợi mở của Đoàn chủ tọa, các đại biểu HĐND tỉnh tham gia thảo luận về những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện của năm 2024 và những vấn đề vướng mắc được cử tri quan tâm. Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh tiếp tục giải trình và trả lời các ý kiến của đại biểu tại Hội trường.
Về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thái Hà cho biết: Đến ngày 15/11, toàn tỉnh có 776 hộ di dời gia súc ra khỏi gầm nhà sàn ở, đạt 40,6%. Vào vụ đông, cơ bản các hoạt động sản xuất kết thúc, các hộ dân mới có điều kiện để xây dựng chuồng trại nên việc thực hiện tập trung vào tháng cuối năm. Sở đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, định hướng, sử dụng các nguồn vốn lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Liên quan đến Đề án nông nghiệp thông minh, nhu cầu ngân sách bố trí 20 tỷ đồng, đã tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh một số chỉ tiêu, tập trung vào những mục tiêu đột phá cây trồng mũi nhọn có giá trị kinh tế cao như: quế, hồi, trúc. Về chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện có 17 xã được công nhận giai đoạn trước, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 33 xã đạt chuẩn khó thực hiện, Sở đã báo cáo giải trình với HĐND tỉnh. Về giải pháp đột phá đạt 50 xã trong năm 2025, khó thực hiện, phải bám vào tiêu chí phân bổ ngân sách, lồng ghép hiệu quả kinh phí của Trung ương để giải quyết dứt điểm từng tiêu chí.
Ngành tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh điều chỉnh một số nội dung của Đề án nông nghiệp thông minh, xem xét giảm chỉ tiêu xã về đích nông thôn mới trong nhiệm kỳ và tập trung đầu tư theo từng chỉ tiêu để đảm bảo tính bền vững; làm rõ các nội dung về đẩy mạnh sản phẩm OCOP; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, quy hoạch rừng trên địa bàn tỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ…
Đối với công tác sắp xếp cán bộ công chức (CB,CC) cấp xã, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Lâm Thị Tú Anh cho biết: Sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2020, tại thời điểm CB,CC cấp xã dôi dư gần 800 người, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp như: dừng tuyển dụng CB,CC cấp xã, một số nghỉ theo chế độ, chuyển công tác… Đến ngày 31/10/2023, CB,CC cấp xã còn dôi dư 115 người (29 cán bộ, 26 công chức) tại 4 huyện; số thiếu 121 người tại 6 huyện (43 cán bộ, 78 công chức), thực hiện theo các nghị quyết của Ban Thường vụ Quốc hội đến năm 2024, số lượng CB,CC cấp xã phải về theo quy định. Sở đang phối hợp với địa phương xây dựng các phương án sắp xếp số CB,CC thừa thiếu, bố trí phù hợp, nếu không có nguồn sắp xếp, tiếp tục trình xin kiến Thường trực Tỉnh ủy đối với các trường hợp cụ thể.
Đối với tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn lĩnh vực tài nguyên - môi trường còn cao, số hồ sơ tồn nhiều, nguyên nhân do thủ tục hành chính đất đai rất phức tạp, số lượng hồ sơ nhiều, đòi hỏi xử lý nhanh, hồ sơ nộp trực tiếp; thao tác xử lý điều hành trên hệ thống chưa thuận lợi, có nơi còn thiếu nhân lực, CB,CC một số địa phương thiếu trách nhiệm, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cần có sự phối hợp của nhiều đơn vị, tăng cường nhân lực, nâng cao đạo đức công vụ…
Về tình hình giải ngân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lưu Công Hữu cho biết: Tính đến ngày 31/10/2023, tỷ lệ giải ngân đạt 28,6%, thấp hơn bình quân chung của cả nước. Vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chỉ tiêu sử dụng đất, khan hiếm vật liệu..., dẫn đến chậm triển khai, giải ngân gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của chủ đầu tư và các sở, ban, ngành. Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, cần tập trung quyết liệt, thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi các sản phẩm chủ đạo của tỉnh như: quặng niken, đồng; quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm…
Liên quan đến công tác thu, chi ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Hà Ngọc Tú cho biết: Dự toán thu ngân sách trên địa bàn và phương án phân bổ năm 2024 chưa đảm bảo với nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra tăng bình quân mỗi năm 12%. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thu thực tế qua từng năm, ảnh hưởng dịch Covid-19, nên việc giao thu căn cứ vào thực tế và giao của Bộ Tài chính; trong đó, giảm gần 1.000 tỷ đồng. Chủ yếu giảm từ thu hoạt động xuất nhập khẩu, thu từ đất. Các khoản thu khác vẫn đảm bảo việc tăng thu theo quy định. Thu xuất nhập khẩu năm 2022 trên 2.000 tỷ đồng, đến 2023, mới thu được 679 tỷ đồng, theo kế hoạch Trung ương giao trên 1.400 tỷ đồng, HĐND giao hơn 1.200 tỷ đồng, còn hơn 500 tỷ đồng chưa thu được. Năm 2022, nguồn thu từ phương tiện xe ô tô xuất nhập khẩu qua biên giới, đến năm 2023 trầm lắng nên nguồn thu không đảm bảo theo dự kiến.
Giám đốc Sở Y tế Nông Tuấn Phong cho rằng: Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm tại một số trường học chưa đảm bảo, ngành Y tế tiếp tục tham mưu lãnh đạo tỉnh, khuyến nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý việc bán hàng tại các cổng trường học. Tiếp tục phối hợp với Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa bàn.
Về nghị quyết dự kiến ban hành trong kỳ họp này để thay thế Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐ ngày 17/7/2020 của HĐND tỉnh về quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở xóm, tổ dân phố; mức bồi dưỡng, số lượng người trực tiếp tham gia công việc của xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, đối với nội dung xem xét chức danh thú y viên tại các thôn, xóm, cơ bản các đại biểu đồng tình nhất trí HĐND tỉnh xem xét, bổ sung, tuy nhiên, cần rà soát, cân nhắc số lượng các xóm về nhu cầu thực tế.
Tại buổi thảo luận, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông trả lời, làm rõ các ý kiến, kiến nghị kết quả chuyển đổi số, khó khăn, vướng mắc và giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; công tác phát triển hạ tầng viễn thông, lắp đặt các trạm BTS tại các xóm vùng sâu, vùng xa…
Một số vấn đề khác được đưa ra thảo luận sôi nổi, thẳng thắn như: Việc nâng cấp đường nông thôn; các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; việc tiêm phòng cho gia súc; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh... Các ý kiến tập trung đi sâu vào vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê nhấn mạnh: Phiên thảo luận tại hội trường đã diễn ra trong không khí sôi nổi, trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm. Từ những ý kiến tham gia thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh sẽ là nội dung để UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng có liên quan tiếp tục hoàn thiện công tác chỉ đạo cũng như thực hiện nhiệm vụ tốt hơn thời gian tới. Qua đó tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần đưa KT-XH của tỉnh ngày càng phát triển.
Chiều cùng ngày, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành đối với một số vấn đề nổi cộm được cử tri quan tâm./.