Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh: Thảo luận tại tổ nhiều nội dung quan trọng

Thứ bảy - 09/12/2023 03:46
Chiều ngày 6/12, trong khuôn khổ chương trình kỳ họp, HĐND tỉnh tiến hành phiên thảo luận tại tổ. Các đại biểu đã chia thành 03 tổ, tập trung thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, trọng tâm vào các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp.
Đại biểu phát biểu tại Tổ
Đại biểu phát biểu tại Tổ
Chỉ rõ những hạn chế

Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu HĐND tỉnh đã dành phần lớn thời gian để phân tích, cho ý kiến về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh…Trong đó tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, hạn chế.
Đối với nhóm báo cáo của UBND tỉnh, các đại biểu tập trung thảo luận một số lĩnh vực:
Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại biểu đề nghị UBND tỉnh đánh giá tính khả thi của số liệu ước thực hiện chỉ tiêu đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, giải pháp đột phá để thực hiện được trên 1.500 hộ; dự kiến chỉ tiêu năm 2024 tăng 1.905 hộ đã bám sát thực tiễn chưa. Đề nghị bổ sung thêm các nội dung đánh giá các kết quả triển khai thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, các giải pháp cụ thể trong năm 2024; các giải pháp mang tính đột phá, quyết liệt hơn để thực hiện chương trình xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới, bố trí thêm nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí chính.
Hiện, tỉnh có 97 sản phẩm OCOP (9 sản phẩm 4 sao, 88 sản phẩm 3 sao), đề nghị đưa ra các giải pháp cụ thể để nâng chất lượng sản phẩm và hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩn OCOP của tỉnh. Việc triển khai các hạng mục đầu tư hạ tầng cơ sở theo các chương trình mục tiêu quốc gia ở nhiều địa phương đang gặp khó khăn do vướng quy hoạch đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết vấn đề trên; giải pháp tìm đầu ra cho trâu bò vỗ béo.
Lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ, đại biểu cho rằng, báo cáo chưa làm rõ nguyên nhân xuất nhập khẩu qua biên giới giảm, đề nghị UBND tỉnh đánh giá cụ thể trách nhiệm của cơ quan liên quan, nhất là về những phản hồi không tích cực của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn; tỉnh quan tâm, có giải pháp thực hiện đối với việc cung cấp điện cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện sát sao, hiệu quả hơn công tác giải ngân vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia, đặc biệt là vốn sự nghiệp; việc công bố giá vật liệu xây dựng của Sở Xây dựng hàng tháng, quý chưa sát với thực tế giá thị trường; giá nhân công lao động thấp khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, công trình chậm tiến độ, không đạt kế hoạch đề ra, đề nghị có giải pháp tháo gỡ. Đề nghị cho biết, đến năm 2025, đô thị Phục Hòa có thể đạt tiêu chí đô thị loại IV không, giải pháp thực hiện.
Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn một số dự án trọng điểm như: Dự án Đường tỉnh 208, Dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 205… chậm, nguy cơ mất vốn cao, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các chủ đầu tư; cần đẩy nhanh tiến độ thi công bảo trì đường bộ; thực trạng đường giao thông kết nối thôn bản đến trung tâm xã, nêu rõ số km đường nâng cấp, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu trong năm 2023, kế hoạch năm 2024 và những năm tiếp theo. Đề nghị bổ sung kết quả thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn dẫn đến tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác các điểm mỏ, gia hạn mỏ khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và quy hoạch, bố trí bãi đổ thải. Đề nghị cho biết, khi nào khu vực khoáng sản vàng Khau Sliểm, xã Minh Khai và Phiêng Đẩy, xã Quang Trọng (Thạch An) được phê duyệt là khu vực có khoáng sản phân tách, nhỏ lẻ để có thể cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định. UBND tỉnh có hướng dẫn đối với công tác xây dựng dự toán bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và xem xét cấp kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đề nghị báo cáo bổ sung nội dung về nhất trí tạm dừng thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu đối với mặt hàng xe ô tô, xe tự hành, xe chuyên dùng, máy chuyên dùng các loại (tương đương công năng như xe ô tô, xe chuyên dùng) nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, việc cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện các Nghị quyết do HĐND tỉnh đã ban hành chưa đảm bảo, đề nghị tỉnh đánh giá và có chỉ đạo trong thời gian tới. Việc thu ngân sách không đạt, trong đó, có thu từ đất, đề nghị làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể của cơ quan, đơn vị; giải pháp thực hiện trong năm 2024.
Lĩnh vực khoa học và công nghệ, đại biểu đề nghị UBND tỉnh tổ chức kiểm tra, đánh giá và nhân rộng các đề tài khoa học, dự án khoa học công nghệ phát huy hiệu quả tốt; quan tâm bố trí nguồn lực, tăng ngân sách đầu tư để triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ; giải pháp khắc phục tình trạng sản xuất theo quy trình, dán tem truy nguồn gốc chưa được triển khai, ứng dụng rộng rãi.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, việc tổ chức lễ cưới, lễ tang ở một số nơi vẫn còn nặng nề, hủ tục lạc hậu gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc và vệ sinh môi trường, đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết; quan tâm hỗ trợ kinh phí cải tạo sửa chữa cho Trung tâm Đào tạo, Thi đấu thể thao và nghệ thuật tỉnh; bổ sung đánh giá về tình hình, kết quả triển khai Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; UBND tỉnh kiến nghị với Trung ương cho phép tỉnh miễn giảm mức thu phí 10 USD/người đối với khách du lịch quốc tế vào khu vực biên giới tỉnh.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong năm qua, tình trạng thiếu giáo viên các môn Ngoại ngữ, Tin học tại các cơ sở giáo dục công mới chỉ được khắc phục tạm thời, đề nghị UBND tỉnh xem xét phương án kết hợp dạy học trực tuyến và giải pháp trong thời gian tới. Hiện nay, việc mua sắm trang thiết bị trường học gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thực hiện các thủ tục đấu thầu, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo mở các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ về công tác trên; khảo sát, đánh giá việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết số 41/2023/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 của HĐND tỉnh quy định một số khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và đưa ra giải pháp thực hiện. Xã Huy Giáp (Bảo Lạc) về đích nông thôn mới, một số chính sách không còn được hỗ trợ, dẫn đến hơn 100 em học sinh bỏ học, đề nghị cho biết tình hình số học sinh nghỉ học, giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Đối với lĩnh vực y tế, đề nghị có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tình trạng thiếu một số loại thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế công lập; quan tâm đào tạo, bố trí nguồn nhân lực y bác sĩ để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, hạn chế tối đa chuyển tuyến, vượt tuyến gây quá tải cho tuyến trên; giải pháp để tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực lao động việc làm và an sinh xã hội, đề nghị làm rõ nguyên nhân, giải pháp đối với tình trạng xâm hại trẻ em và trẻ em dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật hình sự tăng so với 2022.
Lĩnh vực thông tin và truyền thông, trên địa bàn tỉnh còn 169 xóm chưa có sóng điện thoại, Internet, nhiều xóm chưa có điện lưới, đề nghị có giải pháp tháo gỡ khó khăn; đề nghị bổ sung đánh giá về kết quả chuyển đổi số và có giải pháp đồng bộ để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.
Trong lĩnh vực nội vụ, thanh tra, tư pháp, đề nghị UBND tỉnh quan tâm đến công tác sắp xếp cán bộ, đặc biệt việc chuyển chức vụ phó bí thư đoàn thanh niên lên bí thư đoàn thanh niên tại cấp xã; nguyên nhân và hướng giải quyết tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn còn cao, đặc biệt là lĩnh vực tài nguyên môi trường. Kết quả đánh giá chỉ số cải cách hành chính (PAR-INDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) chưa được cải thiện, còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, đề nghị làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm các cơ quan, đơn vị. Đề nghị ban hành các chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, đến công tác tại tỉnh; ban hành cơ chế đặc thù để ưu tiên đào tạo, tuyển dụng đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số ít người. Việc chi hỗ trợ hàng tháng cho tổ hòa giải ở cơ sở, chi thù lao cho hòa giải viên chưa thực hiện; nội dung chi hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng chưa thống nhất, đề nghị UBND tỉnh có hướng dẫn để các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, qua nghiên cứu báo cáo năm 2023, lĩnh vực du lịch có sự phát triển, còn lại các chỉ tiêu ở mức đạt và có 6/17 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, đề nghị UBND tỉnh đánh giá đúng thực tế tình hình phát triển chung của tỉnh; phân tích rõ nguyên nhân, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan đơn vị.
Ngoài ra, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh trong và sau Kỳ họp thứ 14; kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 17 (Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023) HĐND tỉnh, khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026; các báo cáo về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, đánh giá tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân, tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo nghị quyết

Trong phiên làm việc, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết quan trọng, có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và được nhân dân quan tâm, như: (1) Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn ngân sách địa phương tỉnh Cao Bằng (lần 7): Đề nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung 02 dự án quy hoạch của huyện Quảng Hòa (Quy hoạch xây dựng vùng huyện Quảng Hoà; Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Phục Hoà đến năm 2040); Đề nghị UBND tỉnh rà soát chỉnh sửa tên các dự án Quy hoạch của thành phố Cao Bằng đúng với tên được đề xuất tại Tờ trình số 268/TTr-UBND ngày 29/11/2023 của UBND thành phố Cao Bằng; Đối với dự án hỗ trợ Doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo NQ 20 HĐND tỉnh, hiện nay kế hoạch trung hạn là 30 tỷ, tuy nhiên từ 2021-2023 chỉ thực hiện được 300 triệu cho 01 doanh nghiệp, số vốn còn lại không thực hiện được đề nghị Sở KHĐT và Sở NN rà soát lại xem hợp lý chưa? đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh lại cho các dự án khác cần thiết hơn. (2) Nghị quyết Quy định mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng: Đề nghị UBND tỉnh xem xét giảm các mức thu đối với các vật liệu xây dựng thông thường về mức thu tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 27/2023 ngày 31/5/2023 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào để hạ giá thành sản phẩm. (3) Nghị quyết phân định các nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Cao Bằng: Việc phân định nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường cho cấp xã là khá nhiều nội dung, danh mục chi. Tuy nhiên, chưa làm rõ được nguồn lực để cấp xã thực hiện có được phân bổ dự toán dự toán theo phân cấp không. Đề nghị căn cứ vào hoạt động thực tế để giảm danh mục nhiệm vụ chi của cấp xã. Đồng thời, nhiều nhiệm vụ chi có cả trong chi đầu tư và chi thường xuyên dễ dẫn đến chồng chéo, đề nghị rà soát, loại bỏ. (4) Nghị quyết quy định chức danh, mức phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở xóm, tổ dân phố; chức danh, mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Cao Bằng: Nhất trí bổ sung chức danh và mức hỗ trợ đối với chức danh “Nhân viên thú y, khuyến nông ở xóm” và dự kiến mức hỗ trợ hàng tháng bằng 0,25 vào Nghị quyết; Cần thiết bổ sung chức danh nhân viên thú y, khuyến nông ở xóm”, vì thực tiễn công tác này rất cần thiết và đồng chí bán chuyên trách ở xã thực hiện công tác này đang bị quá tải công việc vì ít người thực hiện. Tuy nhiên, nếu bổ sung thêm chức danh này cần xem xét, tính toán mức phụ cấp đối với chức danh nhân viên thú y, khuyến nông ở cấp xã để đảo bào hài hòa giữa các chức danh; Tại Phụ lục 03, đề nghị UBND tỉnh xem xét các mức hỗ trợ dưới 0,3 nâng lên mức hỗ trợ 0,3; Đề nghị Sở Nội vụ giải trình rõ mức phụ cấp hàng tháng tăng cho các chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn so với Nghị quyết 30; Tại điểm c, điểm d, khoản 4, Điều 1 của dự thảo Nghị quyết, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, xem xét nâng mức hỗ trợ từ 80 lên 100% đối với các chức danh; Tại Phụ lục III, STT 3, ban hành kèm theo Nghị quyết, đề nghị làm rõ cụm từ “xã vùng khó khăn” là xã như thế nào? Để UBND các huyện, cơ quan, tổ chức có cơ sở tổ chức triển khai thực hiện. Nếu quy định “Nhân viên y tế kiêm cô đỡ thôn bản và cộng tác viên dân số ở xóm, tổ dân phố của xã vùng khó khăn”, mà “xã vùng khó khăn” được xác định là xã vùng 3 thì đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, bổ sung thêm xóm vùng 3 của các xã, thị trấn vùng 1, vùng 2 vào mục STT 3...
Ngoài ra, các đại biểu tập trung đánh giá tình hình tổ chức, kết quả hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Qua đó, đề xuất một số giải pháp cụ thể để Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ năm 2024, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh trong thời gian tới.
Theo Kế hoạch, sáng ngày (7/12), Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVII tiến hành thảo luận tại Hội trường và tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn./.

 

Tác giả: Nông Thị Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay8,500
  • Tháng hiện tại128,552
  • Tổng lượt truy cập9,207,568
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây