Vấn đề thiếu vật liệu xây dựng thông thường tiếp tục "nóng" tại nghị trường kỳ họp 17 HĐND tỉnh
Thứ hai - 11/12/2023 22:09
Tại kỳ họp 17, HĐND tỉnh, các đại biểu tiếp tục chất vấn ngành tài nguyên và môi trường về vấn đề khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, sỏi) trong khi hiện nay, nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, sỏi) để xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh rất lớn. Chủ đầu tư các công trình, dự án cơ bản đều xác định nguồn vật liệu, cự ly vận chuyển vật liệu tại địa phương để xây dựng dự toán, thậm chí có trường hợp địa phương không có mỏ hoặc mỏ đã hết thời hạn cấp phép khai thác nhưng vẫn xác định nguồn tại chỗ dẫn đến tình trạng nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng phải gánh thêm chi phí chênh lệch giá, phí vận chuyển vật liệu ở các địa phương đến, gây thiệt hại cho nhà thầu, đồng thời ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân của tình trạng nêu trên? trách nhiệm của các cơ quan liên quan? Giải pháp nào trong thời gian tới để giải quyết những bất cập nêu trên?
Trả lời vấn đề này, Phó giám đốc phụ trách sở Tài nguyên và Môi trường Chu Đức Quang giải trình như sau: Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 35 Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, sỏi, đất san lấp), trong đó: có 25 Giấy phép khai thác đá, với tổng công suất 820.678 m3/năm; 09 Giấy phép khai thác cát, sỏi với tổng công suất 331.655 m3/năm; 01 Giấy phép khai thác đất san lấp (khai thác khoáng sản đi kèm trong mỏ sắt Bản Nùng - Bản Luộc, huyện Nguyên Bình) với tổng công suất 16.667 m3/năm (được phép khai thác 100.000 m3 trong 6 năm). Hiện nay, với công suất cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng đến năm 2025 (đá đáp ứng được khoảng 73%, cát sỏi đáp ứng được 39%, đất san lấp đáp ứng được 6%). Trong đó một số huyện khan hiếm cục bộ do các công trình đầu tư công tăng trong năm 2023. Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu các biện pháp tháo gỡ khó khăn cục bộ, cơ bản đáp ứng kịp thời.
Nguyên nhân của tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng chủ yếu là: Việc tính toán đánh giá, dự báo nhu cầu vật liệu trên địa bàn các địa phương chưa kịp thời, các chủ đầu tư chưa chủ động trong công tác chuẩn bị vật liệu xây dựng khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng. Các mỏ đã được cấp phép khai thác khoáng sản cơ bản đều ở quy mô, công suất nhỏ, khi có nhu cầu tăng đột biến về vật liệu không thể tăng công suất khai thác; thủ tục để điều chỉnh công suất phải thực hiện nhiều bước quy trình nên không kịp thời đáp ứng nhu cầu trong thời gian ngắn. Thủ tục hành chính để thực hiện cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đối với 01 mỏ là còn phức tạp, nhiều quy trình, thủ tục, thời gian dài (liên quan đến đấu giá quyền khai thác khoáng sản, phê duyệt trữ lượng, chủ trương đầu tư...), còn có nhiều vướng mắc, chồng chéo giữa các quy định khi triển khai thực hiện các thủ tục hành chính như đất đai, đầu tư, môi trường, lâm nghiệp...
Phó giám đốc phụ trách sở Tài nguyên và Môi trường nhận trách nhiệm để xảy ra tình trạng nêu trên trách nhiệm thuộc về các cơ quan tham mưu quản lý vật liệu xây dựng, các cơ quan thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lập hồ sơ.
Đồng thời sở Tài nguyên và Môi trường đề ra giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường đã thực hiện và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới:
Tổ công tác liên ngành giải quyết nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác liên ngành. Đôn đốc các chủ đầu tư dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, nâng công suất mỏ. Trong năm 2023 đã cấp giấy phép khai thác 01 mỏ cát sỏi đồi với công suất khai thác 120.000 m3/năm (Mỏ cát sỏi Đồng Tâm, phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng); đang xem xét, sẽ cấp giấy phép khai thác trong tháng 12/2023 đối với mỏ đá Vĩnh Phong, huyện Bảo Lâm (công suất 60.000 m3) khi được cấp thì sẽ giải quyết được ngay khó khăn vật liệu trên địa bàn huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, điều chỉnh nâng công suất mỏ cát sỏi Cải Chắp, xã Lê Chung, huyện Hòa An và phường Hòa Chung, phường Sông Hiến, TP Cao Bằng từ 30.000 m3/năm lên 150.000 m3/năm; tiếp tục thụ lý và giải quyết nhanh đối với việc nâng công suất khai thác Mỏ đá chẻ Rào 2, huyện Bảo Lạc và Mỏ đá Bó Choong 2, huyện Quảng Hòa lên 50.000-60.000 m3/năm.
Hướng dẫn các nhà thầu thi công công trình xây dựng trên địa bàn thực hiện thủ tục đăng ký khai thác vật liệu xây dựng tại chỗ; chủ động giải quyết nhanh các thủ tục hành chính theo đó đối với các công trình đang có nhu cầu vật liệu xây dựng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu vật liệu xây dựng. Tiếp tụcgiải quyết nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, cấp điều chỉnh nâng công suất khai thác các mỏ, cấp đăng ký khai thác trong diện tích thực hiên dự án. Chủ động, kịp thời phối hợp giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan khi thực hiện có phát sinh. Khẩn trương đấu giá các mỏ vật liệu xây dựng trong kế hoạch đấu giá năm 2023. Xây dựng kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản hằng năm đối với các mỏ đã có trong Quy hoạch tỉnh.