Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh: Nhiều nội dung quan trọng thảo luận tại Hội trường

Thứ sáu - 09/12/2022 02:07
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp, Trong phiên làm việc buổi sáng ngày 08/12, HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại Hội trường, dưới sự chủ trì của các đồng chí Triệu Đình Lê- Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nông Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Giám đốc Sở Xây dựng - Đoàn Quốc Chính giải trình tại Phiên thảo luận
Giám đốc Sở Xây dựng - Đoàn Quốc Chính giải trình tại Phiên thảo luận
Tham dự có các đồng chí: Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang tỉnh.

Kỳ họp nghe và thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ chiều 7/12. Tại phiên thảo luận tổ có 166 lượt ý kiến, trong đó, có 89 lượt ý kiến về các báo cáo, 54 lượt ý kiến về các lĩnh vực, 23 lượt ý kiến về các nghị quyết.

Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, có 56 ý kiến đề nghị UBND tỉnh tập trung đánh giá việc triển khai 3 chương trình trọng tâm, 3 chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX sâu hơn. Cần đánh giá chính xác số liệu trong năm 2022 có 13/17 chỉ tiêu kinh tế đạt; làm rõ nguyên nhân, tồn tại, hạn chế và các giải pháp tập trung thực hiện.

Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đề nghị UBND tỉnh đánh giá rõ hơn kết quả triển khai thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh; làm rõ nguyên nhân chưa đạt chỉ tiêu đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở; các giải pháp cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu trong năm 2023; UBND tỉnh có các giải pháp quyết liệt để phát triển và mở rộng các sản phẩm OCOP trên thị trường; cần có định hướng, quy hoạch vùng cụ thể gắn với thị trường để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Lĩnh vực xây dựng cơ bản, đề nghị làm rõ kết quả triển khai thực hiện, đánh giá thực trạng, tiến độ xây dựng các dự án phát triển nhà ở thương mại và các dự án khu đô thị mới, số lượng dự án đầu tư xây dựng, số căn hộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng; kiến nghị các giải pháp để khắc phục và bổ sung chương trình phát triển nhà ở tỉnh. Việc đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng nhà văn hóa còn hạn chế, cần nghiên cứu đầu tư gắn với thực tiễn, đáp ứng công năng sử dụng, tránh lãng phí. Cần đánh giá cụ thể đối với nội dung về công tác quản lý quy hoạch, đô thị, xây dựng, thực hiện quy hoạch của tỉnh, điều chỉnh quy hoạch các huyện, Thành phố.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đề nghị báo cáo đánh giá rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chi ngân sách của các cấp, ngành; cần có biện pháp xử lý dứt điểm đối với các trường hợp nợ đọng tiền thuế, phí, tiền phạt, tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật.

Về lĩnh vực tài nguyên - môi trường, đề nghị làm rõ nguyên nhân cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; các biện pháp thực hiện để hạn chế tình trạng ảnh hưởng ô nhiễm môi trường đến đời sống của người dân cư trú gần cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí vốn cho sự nghiệp khoa học công nghệ; tổ chức đánh giá hiệu quả phát huy của các đề tài, dự án; bố trí ngân sách để tổ chức đánh giá và thực hiện ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống.

Đối với hoạt động của doanh nghiệp, cổ phần và hợp tác xã, đề nghị UBND tỉnh thực hiện thu hồi và chỉ đạo thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của các dự án chưa hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả.

Về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đề nghị UBND tỉnh có giải pháp chỉ đạo quy hoạch, quản lý các điểm du lịch tự phát, homestay. Hiện nay, 3 điểm được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, tôn tạo gắn với các hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội, quảng bá… nhưng trên thực tế chưa được đầu tư tương xứng. UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn tiếp tục quan tâm, chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp; đánh giá thêm về hoạt động của các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, nhất là việc duy trì, phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động quảng bá du lịch của tỉnh.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ có giải pháp khắc phục khó khăn, bất cập như: thiếu giáo viên Tin học, tiếng Anh, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học… UBND tỉnh báo cáo những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện và giải pháp khắc phục khi áp dụng chính sách học phí mới.

Về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm triển khai thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát; có giải pháp bố trí nguồn ngân sách để chi trả cho các hộ gia đình đã thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát đã xây dựng.
Đối với công tác nội vụ, UBND tỉnh đánh giá thêm kết quả thực hiện việc điều động, bổ nhiệm, tuyển dụng, quy hoạch, công tác cán bộ; đánh giá sâu hơn về nguyên nhân công chức, viên chức bỏ việc, nhất là trong lĩnh vực y tế.

Lĩnh vực quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, làm rõ nguyên nhân số người từ Trung Quốc về nước qua các đường mòn biên giới không giảm so với cùng kỳ năm 2021. UBND tỉnh nghiên cứu, phân bổ hợp lý kinh phí cho các xã biên giới thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ cột mốc và an ninh biên giới. Tình hình tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí và không đạt chỉ tiêu, kế hoạch của tỉnh đề ra, cần làm rõ nguyên nhân và có giải pháp cụ thể để giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Về công tác dân tộc, tôn giáo, UBND tỉnh bố trí kinh phí về cấp huyện để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các địa phương đạt hiệu quả.

Trong phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, các ý kiến đề nghị báo cáo đề cập rõ hơn thực trạng tác động đến công tác thu ngân sách của tỉnh như: việc các ngân hàng thắt chặt cho vay, thị trường bất động sản sụt giảm, sức mua của người dân giảm… Từ đó, đề ra nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện đạt chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2023 đề ra, đặc biệt là giải pháp để đạt được mục tiêu thu 500 tỷ đồng từ đất. UBND tỉnh cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể khi đề ra chỉ tiêu GRDP tăng 8% trong năm 2023.

Bổ sung giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực du lịch và khoa học công nghệ; giải pháp để xử lý nghiêm các sai phạm trên không gian mạng; bổ sung nội dung triển khai thực hiện việc cập nhật dữ liệu, thông tin về dân cư; thực hiện mã định danh điện tử; chuyển đổi số quốc gia vào nhiệm vụ năm 2023.

Trong giải pháp thúc đẩy các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, cần quan tâm đầu tư thêm đến việc bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch như xây dựng nhà máy chế biến, kho bảo quản nông sản…

Đối với Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023, đề nghị UBND tỉnh đánh giá rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao các chỉ số cải cách hành chính trong thời gian tới; đánh giá cụ thể công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND tỉnh trong việc xây dựng nghị quyết trình các kỳ họp HĐND tỉnh; quan tâm hơn đến công tác chỉ đạo triển khai Đề án tái cơ cấu cây trồng, Đề án nông nghiệp thông minh trên địa bàn tỉnh; tập trung vào một số sản phẩm OCOP nâng cao và triển khai thực hiện tốt các dự án liên kết sản xuất.

Về đánh giá tình hình công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2023, có 3 lượt ý kiến. Đề nghị bổ sung số liệu các cuộc thanh tra, kiểm tra và kết quả cụ thể sau thanh tra, kiểm tra về phòng, chống tham nhũng. Qua thanh tra, kiểm tra, kiến nghị thu hồi và bồi thường số tiền trên 941 triệu đồng, đã thu hồi trên 594,6 triệu đồng, tuy nhiên, nội dung báo cáo không có số liệu về số vụ vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ, đề nghị UBND tỉnh giải trình làm rõ vấn đề trên.

Về báo cáo kết quả giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri và ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh trong và sau kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 8 lượt ý kiến của đại biểu, về cơ bản báo cáo đã trả lời hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, tuy nhiên, một số nội dung trả lời chưa thỏa đáng. Đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn xem xét, nghiên cứu có chính sách hỗ trợ một phần học phí giáo dục mầm non, phổ thông công lập chương trình giáo dục đại trà và giáo dục thường xuyên để giảm bớt khó khăn cho người dân; đồng thời, cần có đánh giá tác động về thực hiện chính sách này. Cần báo cáo rõ, đầy đủ về lĩnh vực giải quyết vốn đầu tư công.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế trả lời kết quả thực hiện công tác sắp xếp các trạm y tế. Đối với tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu trả lời Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn quy định thực hiện cơ chế đặc thù là chưa thỏa đáng, đề nghị UBND tỉnh cần làm rõ vai trò chỉ đạo, giải pháp khắc phục và kiến nghị các bộ, ngành Trung ương có ý kiến chỉ đạo, xử lý. UBND tỉnh kiến nghị với cấp có thẩm quyền và đề ra giải pháp cụ thể giải quyết hiệu quả vấn đề bố trí chức danh văn phòng đảng ủy xã là công chức cấp xã.

Sau khi nghe tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ, các đại biểu tập trung thảo luận tại hội trường. Trong phiên thảo luận sáng nay, lãnh đạo một số ngành đã trả lời, làm rõ những nội dung được đại biểu và cử tri quan tâm liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của các địa phương... Bên cạnh đó, lãnh đạo các ngành cũng đã làm rõ một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết được đại biểu quan tâm cho nhiều ý kiến. Cụ thể:

(1) Về tốc độ tăng trưởng kinh tế đến tháng 11/2022 mới đạt 5,04%, chưa đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, ông Bế Xuân Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết kịch tăng trưởng kinh tế năm 2022 của tỉnh xác định tập trung vào các dự án lớn thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản, nông nghiệp có giá trị lớn (TH Truemilk; tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); thủy điện Khuổi Luông, dự án phát triển đô thị…), tuy nhiên, cơ bản các dự án chưa thực hiện được nên không đạt tốc độ tăng trưởng 8% theo kế hoạch. Còn mục tiêu đưa ra năm 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Đây là thách thức rất lớn, một mặt cần quyết tâm, quyết liệt triển khai các dự án chưa thực hiện được trong năm 2022, đặc biệt là các dự án lớn để tạo ra sản phẩm, tạo ra giá trị để đóng góp vào GRDP; đồng thời thúc đẩy giải ngân xây dựng cơ bản.

Việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp được lý giải ngoài một số nguyên nhân khách quan, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn nhìn nhận yếu tố chủ quan mang tính quyết định, trong đó chưa tích cực, chủ động trong tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Trước thực tế đặt ra, Sở chủ động phối hợp với các ngành, chủ đầu tư thực hiện quy trình điều chỉnh vốn từ dự án không có khả năng giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân đảm bảo đúng quy định pháp luật. Qua dự báo, kết thúc năm 2022, toàn tỉnh có khả năng giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 72 - 75% (bao gồm vốn chương trình mục tiêu quốc gia). Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi các cấp, ngành, chủ đầu tư, các địa phương cần hết sức nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án; đối với các dự án thi công có khối lượng rồi cần đốn đốc hoàn tất thủ tục, hồ sơ thanh toán. Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2023 rất nặng nề, các chủ đầu tư, các địa phương chủ động nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc rõ nét nhất của năm nay là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng rừng, hồ sơ, thủ tục về đầu tư theo quy định thì mới có thể hoàn thành chỉ tiêu trong năm 2023.

(2) Đánh giá thêm về những hạn chế, ảnh hưởng của các yếu tốc tác động đến chi phí liên quan đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thái Hà cho biết: Năm 2022, diễn biến khó lường, các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng (vật tư, phân bón, xăng, đầu) mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách quản lý, điều hành của Nhà nước. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí sản xuất và thu nhập của người dân. Trước thực tế đó, Sở có văn bản gửi các địa phương, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế bằng một số phương pháp sản xuất truyền thống (sử dụng phân xanh, phân bón hữu cơ), phục vụ sản suất phù hợp với điều kiện địa phương nhằm tiết giảm chi phí sản xuất hiệu quả. Trước thực tế vấn đề tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của người dân gặp khó khăn, đặc biệt đối với việc chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, lãnh đạo ngành nông nghiệp khuyến nghị người dân cần nhanh chóng nắm bắt thông tin thị trường để có thể tiêu thụ sớm về các tỉnh miền xuôi để giảm bớt thiệt hại và tiếp tục phục hồi chăn nuôi.

Đối với vấn đề định hướng phát triển và mở rông các sản phẩm OCOP trên thị trường để gia tăng các giá trị nông sản, hiện nay, tỉnh đã công nhận 58 sản phẩm, trong đó, khoảng 20 sản phẩm phát huy tốt thương hiệu sản phẩm và gia tăng giá trị, sản lượng, khoảng trên 30 sản phẩm ở mức về duy trì, đây cũng là một vấn đề cần quan tâm. Ngành nông nghiệp chủ động trao đổi với các chủ thể sản phẩm triển khai các biện pháp nhằm gia tăng quy mô, sản lượng và giá trị thương hiệu. Năm 2022, tỉnh phấn đấu có 30 sản phẩm OCOP, đã lựa chọn 35 sản phẩm có tiềm năng và hoàn thành quá trình tập huấn, hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ trình hội đồng thẩm định; dự kiến trong tháng 12/2022 - 1/2023 hoàn thành việc chấm điểm và công bố chính thức số sản phẩm OCOP.  

(3) Đối với kiến nghị của cử tri cần làm rõ về thực hiện chương trình phát triển nhà ở tỉnh, ông Đoàn Quốc Chính, Giám đốc Sở Xây dựng làm rõ thêm, qua rà soát, đánh giá, đến nay, chương trình đạt một số kết quả như: diện tích nhà ở bình quân đạt so với mục tiêu đề ra 24,54/24 m2/người; tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 83,74/86,45%; tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ đạt 16,26/13,55%; nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà tại đô thị đạt 2/10%; nhà ở công nhân không đạt được mục tiêu do thực tế công nhân sử dụng nhà trọ và không có nhu cầu ở nhà thuê theo dự án, nhu cầu và khả năng chi trả đối với các dự án dành cho công nhân không đủ thu hút các nhà đầu tư. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa có kế hoạch, giải pháp cụ thể để triển khai một cách hiệu quả; thiếu kiểm tra, giám sát, thống kê việc xây dựng nhà ở của nhân dân tại địa phương; công tác tham mưu, chỉ đạo, phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác xây dựng, phát triển và quản lý nhà ở thiếu đồng bộ; việc huy động vốn để thực hiện dự án còn gặp nhiều khó khăn do quá trình thắt chặt tín dụng của Chính phủ; thiếu cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý phát triển nhà ở cấp huyện, xã...

Về nguyên nhân, do nguồn vốn ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc các văn bản pháp quy về đầu tư xây dựng, quy định của pháp luật về thủ tục hành chính; mức hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nghèo về nhà ở thấp; công tác quy hoạch nhà ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đầu tư đúng mức… Nguyên nhân chủ quan do nhận thức về việc thực hiện chương trình phát triển nhà ở chưa đầy đủ; công tác chỉ đạo, điều hành tại một số cấp chính quyền còn hạn chế, chưa toàn diện và quyết liệt; huy động nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư phát triển các dự án nhà ở đạt kết quả thấp... Đại diện ngành xây dựng làm rõ thêm nội dung cử tri quan tâm về triển khai các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố.

(4) Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, bà Hoàng Thị Mỹ Hảo, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Đây là chủ trương đúng đắn và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Qua rà soát, đầu năm 2022, toàn tỉnh có 6.602 hộ thuộc diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát (rà soát lại 17 hộ không còn nhu cầu). Trên 4.000 hộ làm nhà mới và sửa chữa nhà ở, trong đó đã bố trí đủ kinh phí cho 1.138 hộ theo mức quy định tại Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; 1.300 hộ được Ủy ban MTTQ tỉnh bố trí tạm ứng từ nguồn xã hội hóa; hiện còn 5.250 hộ thuộc diện cần được hỗ trợ. Theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó có dự án 5 về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 7 huyện nghèo của tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi nghị quyết điều chỉnh mức hỗ trợ, tận dụng nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu trên.

Giai đoạn 2021 - 2025, có 2 chương trình mục tiêu quốc gia có bố trí kinh phí để chi trả hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để xóa nhà tạm, nhà dột nát, theo đó năm 2022, tỉnh được bố trí 57 tỷ đồng (đến nay chưa có), năm 2023 được bố trí 97 tỷ đồng, tỉnh bố trí kinh phí đối ứng 14 tỷ đồng lập phương án phân bổ cho 7 huyện nghèo để triển khai hỗ trợ cho 2.808 hộ được hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay còn thiếu hướng dẫn, cơ thế thực hiện để giải ngân. 

Đối với việc thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hải Hòa giải trình làm rõ thêm một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai. Tỉnh có văn bản gửi các bộ, ngành đề nghị tạo điều kiện bố trí kinh phí cho tỉnh theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, sau khi nghị quyết được thông qua, hứa trước HĐND tỉnh từ nay đến trước Tết Nguyên đán 2023, UBND tỉnh chỉ đạo, đồng thời thành lập tổ công tác hỗ trợ cấp huyện để giải ngân, thanh quyết toán cơ bản số lượng hồ sơ các hộ đã thực hiện hoàn thành nhà xây mới, sửa chữa, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân.

(5) Liên quan đến thực trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, rời cơ sở y tế công lập, Giám đốc Sở Y tế Nông Tuấn Phong làm rõ thêm, thực tế  cán bộ, viên chức y tế nghỉ việc có cả những cán bộ, bác sĩ có kinh nghiệm, quy hoạch vị trí lãnh đạo. Một trong những lý do đó là áp lực công việc căng thẳng, đặc biệt sau đợt dịch Covid-19 kéo dài; nguồn tuyển của ngành y tế ít; thiếu cơ chế thu hút nhân lực, ưu đãi trong lĩnh vực y tế, một số viên chức lựa chọn cơ sở y tế tư nhân để có nguồn thu nhập tốt hơn, môi trường làm việc ít áp lực hơn.

Về sắp xếp các trạm y tế tại địa phương sau sáp nhập, Giám đốc Sở Y tế làm rõ thêm, sau khi có  ý kiến chỉ đạo của tỉnh, Sở Y tế đã chủ trì, phối hợp khảo sát thực tế tại một số tỉnh có nét tương đồng trong thực hiện sáp nhập. Sau đó, tham mưu tỉnh xây dựng đề án thí điểm bố trí điểm trạm y tế xã thuộc trung tâm y tế huyện trực thuộc Sở Y tế quản lý tại một số xã sau sắp xếp đơn vị hành chính. Ngày 25/11/2022, tỉnh cho phép triển khai thí điểm tại 11 xã thuộc các huyện: Hà Quảng, Hòa An, Quảng Hòa, Trùng Khánh, hiện nay ngành y tế đang tích cực tiến hành dự kiến quý I/2023 sẽ đi vào hoạt động. Trên cơ sở sau khi thí điểm có hiệu quả, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh mở rộng triển khai đề án đến một số điểm khác.

Người đứng đầu ngành y tế cho biết thêm, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đồng thuận triển khai quyết liệt, đồng bộ. Do vậy Cao Bằng là một trong những địa phương kiểm soát dịch bệnh tốt trong điều kiện KT - XH còn nhiều khó khăn; tỷ lệ bao phủ vắc xin cao. Tuy nhiên thực tế gần đây, một bộ phận người dân có tư tưởng chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, không tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin theo hướng dẫn; bên cạnh đó có thời điểm nguồn cung vắc xin hạn chế nên ảnh hưởng đến tiến độ tiêm vắc xin. Ngành y tế đề nghị các ngành liên quan, các địa phương cần tích cực phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền.

(6) Về lĩnh vực nội vụ, năm học 2022 - 2023, trên địa bàn tỉnh thiếu gần 500 giáo viên (thiếu nhiều giáo viên bộ môn tiếng Anh, Tin học), Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Lâm Thị Tú Anh cho biết: Năm 2021 - 2022, tỉnh tuyển dụng mới viên chức ngành giáo dục, trúng tuyển 319/510 chỉ tiêu, không có đủ nguồn để tuyển; do thực hiện giảm 10% biên chế sự nghiệp theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị nên khó khăn trong việc đăng ký chỉ tiêu, nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo định mức. Hiện nay, 100% đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên, các đơn vị này không thể thực hiện việc xã hội hóa và tự chủ kinh phí. Để bố trí đủ giáo viên, trong đó có giáo viên tiếng Anh và Tin học còn thiếu cho năm học 2022 - 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, Thành phố tổ chức triển khai ký hợp đồng lao động đối với các vị trị việc làm là viên chức giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức giao; giao thêm biên chế giáo viên cho các đơn vị để có biên chế tuyển mới giáo viên năm học 2022 - 2023 là 228 biên chế. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại một số điểm trường theo hướng giảm lớp ghép với vị trí, địa điểm phù hợp, thuận lợi trong việc trang bị phòng Tin học, tiếng Anh; ưu tiên bố trí biên chế được giao cho giáo viên đứng lớp, đối với giáo viên mầm non ký hợp đồng lao động theo hướng dẫn...

Về các giải pháp cụ thể để nâng cao các chỉ số cải cách hành chính (CCHC) trong thời gian tới, Giám đốc Sở Nội vụ nêu quan điểm cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện CCHC, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ CCHC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC; tập trung cải thiện và nâng cao các chỉ số nội dung trên các lĩnh vực CCHC, xây dựng kế hoạch cải thiện chỉ số và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện; tăng cường kiểm tra công tác CCHC, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý đối với các nội dung, lĩnh vực thực hiện chưa đúng quy định; đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, hạn chế tối đa tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn cho người dân và doanh nghiệp.

(7)Theo ông Nông Văn Chiêm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay còn 3 bãi rác gây ô nhiễm môi trường tại các huyện: Trùng Khánh, Nguyên Bình, Bảo Lâm. Năm 2022, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt và giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư 3 huyện hoàn thành dự án bãi rác tại địa phương. Về phía Sở đã cấp giấy phép môi trường cho 3 dự án trên nhưng đến nay dự án chưa hoàn thành, nên tỷ lệ xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn ở mức 83,3% (không đạt). Để giảm thiểu tình trạng ảnh hưởng ô nhiễm môi trường đến đời sống nhân dân cư trú gần các cơ sở, tỉnh cần tập trung chỉ đạo chủ đầu tư trong triển khai dự án và cấp vốn đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dự án sớm nhất; tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý, vận hành của các bãi rác nhằm đảm bảo đúng quy trình, tránh đổ rác bừa bãi quanh khu vực; thực hiện quan trắc định kỳ; tuyên truyền, phổ biến, thực hiện đề án phân loại rác, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và nhân dân về bảo vệ môi trường.

Tại phiên thảo luận, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan đã thẳng thắn giải trình, tập trung làm rõ những ý kiến, kiến nghị của đại biểu xoay quanh hồ sơ các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp; nhấn mạnh sự cần thiết của việc ban hành các nghị quyết có ý nghĩa quan trọng tác động lớn đến sự phát triển KT - XH và liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân, trên các lĩnh vực, như: điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn ngân sách địa phương; kế hoạch đầu tư công năm 2023; điều chỉnh bổ sung Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh về phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2022 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Phân cấp cho HĐND cấp huyện, Thành phố phân bổ ngân sách Nhà nước hằng năm theo danh mục dự án đầu tư thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 thuộc phạm vi địa bàn quản lý; quy định mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng một số loại phí và lệ phí trong lĩnh vực tài nguyên trên địa bàn tỉnh; quy định chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm cho một số đối tượng chính sách...

Tác giả: Nông Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập58
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm57
  • Hôm nay17,135
  • Tháng hiện tại268,055
  • Tổng lượt truy cập8,290,576
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây