Trong phiên làm việc buổi sáng, Phát biểu định hướng phiên thảo luận tại tổ, đồng chí Triệu Đình Lê- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị đại biểu tập trung thảo luận đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022, như: tiến độ thu ngân sách; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, các sản phẩm OCOP, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường; phát triển giáo dục và đào tạo; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân… đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2022.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, giám sát; thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình tại Kỳ họp; các nội dung Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp cho ý kiến, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng.
Về các báo cáo trình Kỳ họp, các ý kiến thảo luận đã làm rõ kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, quốc phòng - an ninh, giải quyết đơn thư khiếu nại - tố cáo... năm 2022; những vấn đề tồn tại, hạn chế, nguyên nhân nhất là nguyên nhân chủ quan; các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 nhất là giải pháp thu ngân sách, kế hoạch đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh,...
Theo đó, các đại biểu cũng đã thảo luận về giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; nhất là vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chất lượng nước sạch trên địa bàn tỉnh; các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người dân...Tình hình công tác tiếp dân và xử lý đơn thư, việc nắm bắt, giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở. Các đại biểu cũng đề xuất, thảo luận các giải pháp để khắc phục, xử lý một số vấn đề, nhiệm vụ đặt ra hiện nay cử tri và nhân dân quan tâm như: Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh; việc tuyển dụng bác sỹ, giáo viên; giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí...
Đánh giá sâu kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; những hạn chế, vướng mắc; đề xuất giải pháp tháo gỡ. Những tồn tại, hạn chế trong xây dựng nông thôn mới, nguyên nhân; giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo thực chất, hiệu quả. Kết quả và nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới để đẩy mạnh cải cách hành chính. Về kết quả các cuộc giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh năm 2022, nhất là những tồn tại, hạn chế, giải pháp khắc phục.
Về các Tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình Kỳ họp, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung về sự cần thiết ban hành nghị quyết (Căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn...); Về nội dung từng dự thảo Nghị quyết; sự phù hợp với quy định của Trung ương và điều kiện thực tế của tỉnh.
Cụ thể, về lĩnh vực kế hoạch - đầu tư: Rà soát đảm bảo quy định Luật Đầu tư công, khả năng cân đối nguồn vốn, nguyên tắc, thứ tự ưu tiên trong bố trí vốn; căn cứ, sự cần thiết, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án.
Về lĩnh vực đất đai: Rà soát danh mục các dự án đề xuất thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất năm 2023 bảo đảm phù hợp với Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thủ tục, hồ sơ theo quy định của pháp luật, quy chế làm việc của Tỉnh ủy; tính khả thi, hiệu quả các dự án;...
Các quy định về cơ chế, chính sách lĩnh vực tài chính, giáo dục - đào tạo, lao động, thương binh & xã hội, nội vụ... Các nghị quyết điều chỉnh, bổ sung, thay thế các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành…
Phát biểu thảo luận tại Tổ đại biểu số 1, Đại biểu Đặng Thị Duyên cho rằng: Cần rà soát lại tiêu chí giảm hộ nghèo đã thực hiện. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 58 sản phẩm OCOP, tuy nhiên chưa có định hướng phát triển rõ ràng, cần có giải pháp chỉ đạo phát triển sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng Đề án nông nghiệp thông minh gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm... Đối với các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh, đề nghị có sự phân cấp rõ ràng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp để việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao. Nghiên cứu, bổ sung thêm những tồn tại, hạn chế để thấy rõ trách nhiệm của UBND tỉnh, trách nhiệm của những người đứng đầu các ban, ngành, đơn vị. Đại biểu Công Văn Hưu cơ bản nhất trí với nội dung trong báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển KT - XH năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá tình hình phát triển KT - XH của tỉnh đã thực hiện đạt 13/17 chỉ tiêu, còn 4 chỉ tiêu đạt thấp. Đề nghị làm rõ hơn một số nội dung như: giải ngân vốn đầu tư công đến cuối năm, trách nhiệm của chủ đầu tư, công tác phối hợp thực hiện, kiểm tra, giám sát nhất là đối với các dự án trọng điểm. Số thu nội địa đạt thấp, cần xác định và làm rõ các nguồn thu ngân sách để đạt được 625 tỷ đồng để đạt kế hoạch đề ra.
Đại biểu Nông Thanh Tùng đề nghị UBND tỉnh làm rõ một số nội dung đưa vào báo cáo, so sánh một số báo cáo, một số nội dung ước thực hiện cao, như: ước giải ngân vốn đầu tư công, thu nội địa đến nay mới đạt 58%. Về lĩnh vực an ninh - quốc phòng, do dịch bệnh kéo dài, số người từ Trung Quốc trở về vẫn không giảm; báo cáo của các cơ quan tư pháp, các cơ quan cần làm rõ nội dung cử tri quan tâm như vụ án đã được giải quyết và vụ việc phát sinh, thời gian giải quyết. Liên quan đến các nghị quyết, một số nghị quyết cần thay đổi theo số liệu mới; điều chỉnh đầu tư công trung hạn để thực hiện các dự án phù hợp với tình hình từng giai đoạn, làm rõ thêm các căn cứ đưa vào tờ tình nội dung điều chỉnh. Một số nghị quyết liên quan đến cấp huyện, lãnh đạo chủ chốt của huyện cần tham gia ý kiến sửa đổi, phân cấp sử dụng tài sản công, tiếp tục phân cấp mạnh cho cấp huyện.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Thư đề xuất, kiến nghị: Việc phân bổ, hỗ trợ xi măng tập trung vào đường giao thông khó khăn, không có vốn đối ứng, do vậy tiến độ thực hiện chậm; nghị quyết UBND tỉnh cần tính toán đề xuất, ngoài xi măng, hỗ trợ tiền để mua vật liệu; xem xét, hướng dẫn việc chi tặng quà cho các đối tượng trên địa bàn mức của tỉnh và huyện giống nhau. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản điều chỉnh mã vạch, xếp chức danh, tỉnh ta vẫn chưa thực hiện, trong khi đó thực hiện theo một số văn bản đã hết hiệu lực, đề nghị ngành giáo dục làm rõ để giáo viên yên tâm công tác. Mức học bổng và tiền ăn của học sinh trường nội trú còn thấp, không đảm đảm việc sinh hoạt, học tập tại trường.
Đại biểu Nông Thị Tuyết bày tỏ nhất trí với nội dung trong báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển KT - XH năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Tuy nhiên, cần đánh giá sâu và toàn diện hơn nữa, mạnh dạn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém từ thực tế. Từ đó, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp rõ nét để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Báo cáo điều hành UBND tỉnh cần đánh giá sâu mặt tồn tại, hạn chế, giải pháp khắc phục, làm rõ trách nhiệm từng sở ngành, các đồng chí trong chỉ đạo triển khai thực hiện, đề ra các giải pháp...
Trên cơ sở các ý kiến góp ý thảo luận của các đại biểu, đồng chí tổ trưởng sẽ tổng hợp báo cáo kết quả thảo luận với Thường trực HĐND tỉnh sau khi kết thúc thảo luận.
Sáng ngày mai (8/12), kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh sẽ tiến hành phiên thảo luận tại Hội trường./.