Đồng chí Trần Hồng Minh - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng chủ trì thảo luận tổ 17, gồm ĐBQH các đoàn: Cao Bằng, An Giang, Gia Lai. Tham dự phiên thảo luận Tổ có đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.
Tại phiên thảo luận buổi sáng về các nội dung kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Đánh giá bức tranh kinh tế xã hội – xã hội năm 2024, các ĐBQH thành viên Tổ thảo luận 17 cơ bản thống nhất và đồng thuận cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Điều hành, phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận KT-XH, đồng chí Trần Hồng Minh - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, với 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt khoảng 6,8 - 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%), được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng; chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt... “Đó không chỉ là tín hiệu khả quan cho thấy các kịch bản tăng trưởng kinh tế đã phát huy tác dụng, mà còn là minh chứng cho vai trò lãnh đạo trực tiếp của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Tô Lâm; sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát thực tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp….”.
Tuy nhiên, đại biểu thẳng thắn cho rằng, tăng trưởng dường như vẫn dựa vào động lực đầu tư công; giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, câu chuyện “có tiền nhưng không tiêu được” vẫn là bài toán hóc búa của các địa phương, đơn vị, 9 tháng đạt 47% thấp hơn năm 2023. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công chưa được như ý là do thiếu sự quyết liệt, vẫn còn tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm. Quan trọng nhất là các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công còn chồng chéo, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Đồng tình với đánh giá của đồng chí Trần Hồng Minh, ĐBQH Nguyễn Đình Việt và ĐBQH Bế Minh Đức cho rằng, những kết quả nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2024 sẽ là động lực và tiền đề quan trọng để sẵn sàng cho chặng đường về đích của cả nhiệm kỳ. Liên quan đến những thiệt hại do cơn bão số 3 Yagi trong tháng 9 vừa qua với mưa lớn và lũ lụt, dẫn đến sự chậm trễ ở các dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng và đóng cửa hoạt động kinh doanh tạm thời, ĐBQH tỉnh Cao Bằng mong muốn, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo cơ chế và có các gói hỗ trợ các địa phương bị chịu tác động nặng nề từ thiên tai để giúp bà con tái thiết và quay trở lại cuộc sống, sản xuất.
Tại phiên thảo luận buổi chiều về dự án Luật Điện lực (Sửa đổi), ĐBQH Bế Minh Đức nhấn mạnh một số nội dung về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và phạm vi sửa đổi. Sửa đổi Luật Điện lực để triển khai thực hiện tốt hơn các dự án điện quốc gia và Quy hoạch điện VIII. Từ thực tiễn của địa phương, đại biểu đã đưa ra một số vấn đề khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ đối với phát triển điện lưới quốc gia ở vùng đồng bào DTTS, thông qua việc sửa đổi luật lần này đại biểu kỳ vọng sẽ có được các chính sách đột phá về phát triển điện ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Cũng liên quan đến dự án Luật Điện lực (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Đình Việt chia sẻ băn khoăn khi đây là một luật rất quan trọng, nội dung sửa đổi nhiều với không ít nội dung phức tạp nhưng lại đang được đề xuất thông qua theo quy trình một kỳ họp. Đại biểu nêu quan điểm, trước mắt nên lựa chọn nội dung thực sự cấp thiết cần phải thay đổi ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì nên sửa đổi theo cách ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Còn việc sửa đổi toàn diện Luật Điện lực nên tiến hành kỹ lưỡng.
Phát biểu kết luận thảo luận tổ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Trần Hồng Minh đã phân tích, làm rõ thêm những kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024. Mặc dù có những diễn biến bất ngờ xảy ra, điển hình như cơn bão số 3, nhưng với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực vượt bậc của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách đều đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, hỗ trợ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Thống nhất một số nội dung các đại biểu đã thảo luận tại tổ. Theo đó, các đại biểu nhất trí hiện nay, việc ban hành luật, cơ chế chính sách còn nhiều điểm nghẽn dẫn đến chống chéo giữa các luật, gây khó khăn cho người dân doanh nghiệp cũng như cán bộ thực thi. Vì thế tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, khắc phục các điểm nghẽn. Đối với Luật Điện lực, cơ bản nhất trí nếu kỳ họp này chưa đủ điều kiện thông qua, đề nghị tổ chức kỳ họp sớm để thông qua. Đối với Quy hoạch sử dụng đất, các đại biểu trong tổ thống nhất cần thiết phải điều chỉnh và có sự phân cấp, phân quyền để các địa phương có thể linh hoạt trong điều hành, quản lý để phát triển kinh tế - xã hội.
Về bổ sung vốn cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, thống nhất đồng ý tăng vốn cho để Ngân hàng có đủ khả năng tài chính, tăng thu ngân sách, đáp ứng yêu cầu chuẩn quốc tế./.