Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

Thứ bảy - 09/11/2024 05:12
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 9/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà giáo; dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh điều hành phiên thảo luận tổ 17, gồm các tỉnh: Cao Bằng, An Giang và Gia Lai.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Trần Hồng Minh chủ trì buổi thảo luận tổ
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng Trần Hồng Minh chủ trì buổi thảo luận tổ
Cần làn rõ một số chính sách ưu tiên nhà giáo

Tham gia góp ý về dự án Luật Nhà giáo, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Các đại biểu đề xuất tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện các chính sách mới, nhất là các điều kiện về nguồn lực tài chính để bảo đảm tính khả thi. Theo các đại biểu, đây là Luật mới, quy định về đối tượng, liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, giải quyết những vấn đề xung đột pháp lý nếu phát sinh.

Tham gia góp ý cụ thể, đại biểu Đoàn Thị Lê An, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề nghị thay cụm từ “Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục” thành cụm từ “Viên chức quản lý cơ sở giáo dục” tại khoản 7 Điều 4 dự thảo Luật, đại biểu cho rằng việc sử dụng từ ngữ “cán bộ quản lý” là chưa phù hợp vì Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quy định rõ khái niệm cán bộ, công chức, viên chức, theo đó người làm quản lý trong các cơ sở giáo dục được xác định là “Viên chức quản lý”. Do đó, đại biểu đề nghị quy định lại việc sử dụng từ ngữ này theo hướng tiếp cận giải thích từ ngữ của Luật Viên chức để bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất. Đại biểu cũng đề nghị xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, bổ sung định nghĩa khoản 1, khoản 2 Điều 4 để phù hợp hơn với quy định nhà giáo tại điều này.

Quan tâm tới hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, đại biểu Quốc hội Đoàn Cao Bằng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đổi tên điều luật tại “Điều 11. Những việc không được làm thành “Những hành vi bị nghiêm cấm”, đồng thời quy định cụ thể, ngắn gọn các hành vi cấm để tăng cường quản lý, kỷ luật trong quản lý nhà giáo.

Về tuyển dụng nhà giáo tại khoản 6, Điều 16 đại biểu Quốc hội Đoàn Cao Bằng đề nghị bổ sung điều chỉnh "Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục, đối tượng ưu tiên, hình thức, nội dung thi tuyển và xét tuyển nhà giáo; tuyển dụng đặc cách, tiếp nhận nhà giáo; tuyển dụng nhà giáo là người nước ngoài" để nội dung đầy đủ thống nhất với điểm b, khoản 4, Điều 16, dự thảo Luật Nhà giáo: "b) Thực hiện thông qua tiếp nhận để trở thành nhà giáo".

Về chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo, đại biểu đề nghị xem xét lại nội dung tại điểm d khoản 1 Điều 27 Chương V “Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, theo đại biểu Điều 35 của Hiến pháp quy định: “Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi”. Theo khoản 3 Điều 4 Thông tư số 05/2024/TT-BNV ngày 27/6/2024 của Bộ Nội vụ quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng II và lên hạng I đối với viên chức hành chính, viên chức văn thư, viên chức lưu trữ; xếp lương đối với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức, quy định: “Căn cứ vào tổng thời gian hưởng lương có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu có thời gian không liên tục mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) trừ đi thời gian tập sự tính theo quy định của chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận, thời gian còn lại làm căn cứ để xếp lương ở chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng, tiếp nhận như sau: Tính từ bậc 1 của chức danh nghề nghiệp viên chức được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận...”. Đại biểu cho biết, hiện nay so với tiền lương của các ngành khác trong hệ thống hành chính sự nghiệp thì tiền lương của nhà giáo đã được ưu đãi thêm một số các phụ cấp đặc thù, đối với việc “Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương” liệu có đảm bảo sự công bằng và phù hợp với các quy định hiện hành hay không, đại biểu đề nghị cần làm rõ, đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với chính sách này.

Quan tâm tới điều khoản thi hành, đại biểu Quốc hội Đoàn Cao Bằng đề nghị cần xem xét tính phù hợp khi quy định điều khoản thi hành của dự thảo Luật Nhà giáo sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều khoản của 5 Luật (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương), vì khi sửa đổi luật thì cần phải rà soát có tính hệ thống tất cả các quy định của luật để sửa đổi, bổ sung cùng một lúc, không thể luật này ban hành sửa đổi một số điều của luật kia và luật khác ban hành lại tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số điều khác, như vậy sẽ dẫn đến tình trạng một luật có nhiều luật khác sửa đổi, bổ sung, gây khó khăn trong cập nhập, áp dụng luật trong thực tiễn.

Đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%

Tham gia góp ý về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), các đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết ban hành dự án luật; đánh giá cao việc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Chính phủ đã tiếp thu kiến nghị của các doanh nghiệp trong thời gian qua về việc giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của người sử dụng lao động và người lao động. Việc quy định giảm tỷ lệ đóng BHTN theo hướng linh hoạt như trong dự thảo luật là hoàn toàn phù hợp với cơ sở lý luận là Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW, đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực.

Góp ý cụ thể về thông tin thị trường lao động (Điều 28), đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị bổ sung vào khoản 1 điểm e thông tin: định hướng phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch lĩnh vực, ngành, nghề, vì định hướng phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch lĩnh vực, ngành, nghề có tác động trực tiếp đến sự phát triển thị trường lao động cần được phổ biến để người lao động, doanh nghiệp tiếp cận thụ hưởng.

Đối với quy định dịch vụ việc làm (khoản 1 Điều 46), theo đại biểu, từ thực tiễn của thị trường lao động rất cần thiết phải có hoạt động hướng nghiệp, phân tích, lưu trữ thông tin nhằm đảm bảo tính xác thực của thông tin, giúp cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp được tiếp cận thụ hưởng, do đó, đại biểu đề nghị bổ sung hoạt động hướng nghiệp vào quá trình cung ứng dịch vụ.

Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp (khoản 1, Điều 65), đại biểu đề nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi nghỉ việc. Đại biểu cho rằng, phần lớn doanh nghiệp hiện nay đóng cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng nên 60% tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp rất thấp. Với tiền lương bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp khoảng 5,5 triệu đồng giai đoạn 2022 - 2023, trợ cấp thất nghiệp người lao động nhận được 3,3 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, chi tiêu bình quân của gia đình lao động vào giữa năm 2023 khoảng 11,7 triệu đồng/tháng. Mức trợ cấp thất nghiệp như trên chưa đáp ứng 30% chi phí sinh hoạt thực tế của gia đình lao động.

Tác giả: Lê Điệp (CTQH)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập63
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm61
  • Hôm nay5,641
  • Tháng hiện tại127,177
  • Tổng lượt truy cập8,998,393
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây