Tại buổi thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị trên cơ sở báo cáo thẩm tra, dự thảo luật và các tài liệu có liên quan, các đại biểu thảo luận các nội dung: Làm rõ phạm vi sửa đổi Luật BHYT và tính thống nhất của dự thảo luật trong hệ thống pháp luật; quy định liên quan đến đối tượng tham gia BHYT (quy định tại điều 12 sửa đổi, bổ sung), mức đóng, trách nhiệm đóng BHYT (điều 13 sửa đổi, bổ sung), phương thức đóng BHYT (điều 15 sửa đổi, bổ sung), thẻ BHYT (điều 16 và điều 17 sửa đổi); phạm vi được hưởng BHYT, mức hưởng BHYT (quy định tại các điều 21, điều 22, điều 23 sửa đổi, bổ sung); thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (điều 35 sửa đổi, bổ sung), chi phí quản lý Quỹ BHYT (quy định tại khoản 1 điều 35 sửa đổi, bổ sung); về chậm đóng, trốn đóng BHYT (quy định tại khoản 9, 10 điều 2; điểm a, khoản 3 điều 49 sửa đổi, bổ sung); trách nhiệm của các cơ quan về BHYT (quy định tại các điều 6, 7a, 7c, 8, 10 và điều 41 sửa đổi, bổ sung).
Về Dự án Luật Dữ liệu, thảo luận về tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính khả thi của các quy định trong dự thảo luật; quy định về ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý, quản lý, quản trị, sử dụng, khai thác dữ liệu (quy định tại điều 27 dự thảo luật); Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia (quy định tại điều 29 dự thảo luật), trong đó, cần làm rõ các nguồn tài chính hình thành quỹ; cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để xây dựng quỹ… Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia (quy định tại chương III); xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia (quy định tại chương IV); sàn giao dịch dữ liệu (điều 53), cần rà soát để bảo đảm thống nhất với các quy định của pháp luật khác có liên quan như: Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Viễn thông...
Thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đại biểu Bế Minh Đức, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ đồng tình, nhất trí với sự cần thiết việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng hơn một số nội dung như: quy định hành vi chậm đóng, trốn đóng BHYT; nghiên cứu để quy định rõ hơn đối với các trường hợp tự đóng bảo hiểm. Việc sửa đổi điều 12 dự thảo luật, hiện nay đã sửa có 6 khoản quy định tương đối đầy đủ về đối tượng tham gia BHYT, tuy nhiên thực tiễn cho thấy vẫn còn thiếu, cần bổ sung đối tượng người dân xã an toàn khu để được hưởng chính sách hỗ trợ về BHYT. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thêm đối tượng nạn nhân của vật liệu nổ, bom mìn do chiến tranh để được hỗ trợ; đối tượng là người cao tuổi từ 65 đến dưới 75 tuổi cũng cần được nghiên cứu để bổ sung phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Luật BHYT được ban hành từ năm 2008 đến nay đã 15 năm, trong khi hệ thống pháp luật được sửa đổi rất nhiều, do đó cần sửa đổi và thông qua để đảm bảo thống nhất với Luật Khám, chữa bệnh. Đề nghị nghiên cứu lại, bám sát nguyên tắc đặt ra khi sửa đổi luật này, trong đó những nguyên tắc cần rõ ràng, khả thi, có căn cứ cơ sở phù hợp với tiến độ trình Quốc hội xem xét thông qua tại 1 kỳ họp. Hiện nay, đang sửa đổi đến 40 điều trên tổng số 55 điều của luật hiện hành. Luật sửa đổi, bổ sung thường khó theo dõi thì việc xem xét 1 luật sửa đổi, bổ sung thường phức tạp, khó khăn và rủi ro hơn nhiều. Luật BHYT có tác động rất lớn, liên quan đến nhiều người dân và các cơ sở y tế, liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội, quyền và nghĩa vụ của người tham gia BHYT, do đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong số 4 chính sách được nhất trí đưa vào chương trình sửa đổi lại có nhiều nội dung không thuộc 4 chính sách đã được thông qua, do đó chỉ nên tập trung sửa đổi những nội dung có tính cấp bách, cấp thiết cần giải quyết ngay. Còn lại nên nghiên cứu để đảm bảo tính thống nhất, tránh việc Quốc hội sửa đổi nhưng luật không đảm bảo chất lượng.
Thảo luận về Dự án Luật Dữ liệu, đại biểu Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đánh giá cao hồ sơ Chính phủ trình, tuy nhiên về giải thích từ ngữ tại điều 3 cần tiếp tục rà soát, bổ sung thêm khái niệm về chuyển dữ liệu ra nước ngoài cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại điều 25. Đại biểu cho rằng, việc mua bán và chuyển giao dữ liệu giữa các tổ chức, cá nhân ngày càng phổ biến và trở thành một kênh kinh doanh. Có thể là dữ liệu thô, dữ liệu phi cá nhân, chuyển sang nước ngoài cho tổ chức, cá nhân. Cần thiết phải kiểm soát dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quốc gia để đảm bảo an ninh; tiếp tục rà soát, bổ sung quy định nhằm xác định rõ dữ liệu cốt lõi, dữ liệu cấm chuyển ra nước ngoài, quy định về truy xuất dữ liệu, thẩm quyền của các cơ quan trong chuyển giao dữ liệu.
Về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia tại điều 29, quy định này bảo đảm ứng dụng dữ liệu ở các vùng kinh tế - xã hội khó khăn, hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng công nghệ, hỗ trợ khen thưởng cho cá nhân có thành tích phát triển cơ sở dữ liệu, tuy nhiên cần làm rõ cơ sở, điều kiện ưu tiên để tránh trùng lặp. Về nguyên tắc xây dựng phát triển cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia quy định tại điều 33, đề nghị tiếp tục rà soát cơ sở xây dựng, thu thập dữ liệu, làm rõ mối quan hệ cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Về phí khai thác sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và cơ sở dữ liệu khác do cơ quan nhà nước quản lý tại điều 39 có 3 nhóm, cần bổ sung quy định cho phép tổ chức, cá nhân được khai thác miễn phí trên cơ sở đóng góp cho nền tảng dữ liệu chung nhằm làm phong phú hơn hệ thống dữ liệu. Về quy định sàn giao dịch dữ liệu tại điều 53 là cần thiết, tạo cơ hội phát triển của doanh nghiệp nhưng cần làm rõ mối quan hệ giữa các quy định của dự án luật này với các văn bản pháp luật khác bảo đảm chặt chẽ.
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao ý kiến thảo luận của các đại biểu; đề nghị thư ký các Đoàn ĐBQH tổng hợp đầy đủ nội dung thảo luận, báo cáo cơ quan soạn thảo để bổ sung, chỉnh lý.
Tác giả: Dương Tường (CTQH)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn