Góp ý vào Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, các ĐBQH tỉnh Cao Bằng, Gia Lai, An Giang nhấn mạnh, dù là nội dung khó và phức tạp song việc sửa đổi các luật trên là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Tại tổ thảo luận 17, các ĐBQH cơ bản thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật như Tờ trình của Chính phủ nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, thủ tục cũng như phân cấp, phân quyền trong quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu…
Tuy nhiên, theo các đại biểu, Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu, trong đó có những quy định liên quan trực tiếp đến nguồn lực, ngân sách Nhà nước, thẩm quyền, phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương, thủ tục hành chính... Do đó, cần đánh giá kỹ lưỡng và có số liệu “thuyết phục” hơn nữa trong thực tiễn để thể hiện sự cấp bách và vướng mắc mà luật cần phải sửa đổi.
Phát biểu góp ý về sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Hồng Minh cho rằng, việc bổ sung điều chỉnh quy hoạch theo trình tự rút gọn là hợp lý đề giải quyết các vấn đề cấp bách trong thực tiễn. Nội dung sửa đổi Luật Quy hoạch phải bảo đảm tính liên tục kế thừa, ổn định, tính thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia; tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, địa phương, lợi ích của người dân...
Về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, việc phân cấp ủy quyền theo điều 31, điều 32 là rất tốt. Tuy nhiên, trình tự các bước trong thủ tục cần phải được rút gọn, như bây giờ đang mất quá nhiều thời gian. Lấy kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới, đồng chí gợi ý gộp bước 1, bước 2 thành một bởi khi làm gần như đã ổn định không có sự biến động nhiều. Nếu chia ra 3 bước, các công trình trọng tâm, trọng điểm có thể bị kéo dài thời gian mà trình tự hồ sơ gần như là giống nhau. Đề nghị “nên thực hiện một khâu và chỉ lựa chọn một nhà tư vấn, chỉ định một nhà thầu năng lực tốt nhất để bảo đảm các công đoạn...”.
Đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đồng chí cho rằng việc mở rộng tất cả các lĩnh vực đầu tư của dự án PPP có thể tăng cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, cần bãi bỏ hạn mức về quy mô đầu tư tối thiểu cho nhà đầu tư PPP; áp dụng tỷ giá linh hoạt vốn Nhà nước… Việc “đánh thức” hình thức hợp đồng BT vào dự thảo luật lần này rất quan trọng, đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng mọi khía cạnh để đảm bảo sự ổn định của chính sách; mong rằng sẽ có một chính sách ổn định, có tầm nhìn dài hạn để doanh nghiệp có thời gian thích ứng và yên tâm phát triển. Việc sửa đổi luật lần này chú trọng đến việc cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp và Nhà nước.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến về sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Tác giả: Dương Tường (CTQH)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn