Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa tại điểm tái định cư xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc; điểm sạt lở xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành; khu dân cư tổ 1, thị trấn Tĩnh Túc với 125 hộ đang ở trong vùng có nguy cơ sụt lún, sạt lở; kiểm tra thực tế các điểm sạt lở trên một số tuyến đường giao thông tại xã Thể Dục và thị trấn Nguyên Bình.
Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người, nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân huyện Nguyên Bình. Trong đó có 54 người chết, 3 người mất tích, 18 người bị thương; 368 nhà ở bị thiệt hại; 666 vị trí/92 tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã bị sạt lở; hơn 200ha diện tích ngô, lúa bị thiệt hại. Nhiều cơ sở hạ tầng, công trình thuỷ lợi và công trình cấp nước sinh hoạt, trường học, công trình điện bị hư hỏng. Ước tổng giá trị thiệt hại trên toàn huyện là hơn 80 tỷ đồng. Với công tác khắc phục hậu quả, huyện Nguyên Bình đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai các nhiệm vụ cấp thiết để ứng phó, khắc phục tình hình thiệt hại. Đến ngày 27/9/2024, đã có hơn 100 đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ cho bà con nhân dân trong vùng bị thiên tai với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng. Huyện đã khởi công xây dựng được 3 điểm tái định cư bằng nguồn vốn của các nhà hảo tâm hỗ trợ gồm: 01 điểm tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành cho 07 hộ dân; 01 điểm tại xóm Lũng Luông, xã Vũ Nông cho 7 hộ dân; 01 điểm tại xóm Quang Thượng, xã Quang Thành cho 25 hộ dân.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Hồng Minh, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh, thiệt hại do mưa, bão ở huyện Nguyên Bình là rất lớn. Tuy còn khó khăn, nhưng huyện đã có nhiều nỗ lực, tích cực cùng các lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại, tìm kiếm cứu nạn. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung khắc phục thiệt hại sau bão, hỗ trợ nhân dân ổn định sinh hoạt và sản xuất; tập trung thống kê, tổng hợp, đánh giá thực chất, chính xác mức độ thiệt hại; công tác thống kê đều phải có biên bản hiện trường, lưu hồ sơ. Trước mắt, ưu tiên làm nhà ở tái định cư sớm nhất có thể cho những hộ dân có người bị chết, nhà ở bị hư hỏng hoàn toàn do mưa lũ, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Thống nhất với mức hỗ trợ 140 triệu đồng/hộ cho 32 hộ dân bị sạt lở, phải di dời toàn bộ nhà do ảnh hưởng đợt mưa, bão vừa qua. Vị trí xây dựng các khu tái định cư phải được kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo tính an toàn. Trong đó, xem xét các mô hình nhà ở cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng hộ gia đình. Đối với các hộ chưa di dời đến nơi an toàn, phải có phương án đảm bảo không gia đình nào nằm trong vùng nguy cơ sảy ra sạt lở, lũ quét ở lại nhà khi có mưa lũ. Đối với những vùng đã ổn định, tiếp tục theo dõi để người dân quay trở lại sinh sống.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Sở Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu, thống nhất đơn giá khắc phục sự cố sạt lở trên các tuyến đường giao thông trình tỉnh xem xét để làm căn cứ cho các huyện triển khai thi công. Đối với các kiến nghị của huyện, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành xem xét, phối hợp với huyện để giải quyết kịp thời.
Tác giả: CTV
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn