Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có báo cáo 16 trang nêu chi tiết các nội dung liên quan đến vấn đề chất vấn tại kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn với ba nhóm vấn đề: (1) Việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; (2) Công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; (3) Công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 và thiên tai.
Đặt vấn đề chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại biểu Đoàn Thị Lê An cho rằng, lạm phát trong 9 tháng đầu năm 2024 bình quân 3,88%, thấp hơn mục tiêu, tại sao ngân hàng không đẩy mạnh tín dụng hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, khi thực hiện ưu tiên tăng trưởng kinh tế, Thống đốc có lo ngại gì khi điều hành chính sách tiền tệ.
Nội dung thứ hai, đại biểu Đoàn Thị Lê An cho biết, vừa qua tình trạng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét xảy ra tại hầu hết các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người và tài sản, nhiều hộ gia đình đứng trước nguy cơ tái nghèo. Từ đó, đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và kết quả thực hiện đến nay.
Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã giải trình thẳng thắn, khi mà lạm phát được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các giải pháp để ưu tiên tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vẫn phụ thuộc vào khả năng tiếp cận của doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, khi chính sách tiền tệ thắt chặt của thế giới đã giảm, thời gian tới tăng trưởng tín dụng có thể sẽ được đẩy mạnh, phục hồi trở lại, hứa hẹn khả năng tăng tốc cùng đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Đối với nội dung thứ hai, Thống đốc cho biết, ngân hàng đã đánh giá, rà soát và xác định được đối tượng chịu tác động của chính sách này, theo đó đã thực hiện gia hạn kỳ hạn nợ đối với các đối tượng. Đồng thời, đề xuất đối với các bộ, ngành là thành viên Hội đồng quản trị về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng, trong đó, dự kiến đề xuất Chính phủ cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 8 - 10%, giảm lãi suất cho vay đối với đối tượng khách hàng vay số.