Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Thứ năm - 26/10/2023 21:12
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 26/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Sau phần thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật có 198 điều (bỏ 3 điều 2, 4 và 166; bổ sung 4 điều 73, 74, 75 và 197; tách điều 67 thành 3 điều; ghép điều 102 và điều 103; do đó số lượng điều tăng lên 2 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội). Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, chính sách an sinh xã hội và kinh tế vĩ mô của quốc gia, liên quan đến nhiều luật, dự thảo luật đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Để tránh chồng chéo, xung đột, bảo đảm chất lượng và tiến độ chuẩn bị dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan cần thống nhất các nguyên tắc làm cơ sở cho việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức đã tham gia thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo đó, đại biểu góp ý về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (điều 76), dự thảo luật quy định có 12 loại đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là mục tiêu định hướng chính sách cũng là tiêu chí quan trọng nhất trong việc xác định đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, mục tiêu của đề án là đến năm 2030 xây dựng được 1 triệu căn nhà ở xã hội (trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn).

Căn cứ vào những định hướng chính sách của đề án nói trên, đại biểu cho rằng quy định như điều 76 là chưa hoàn toàn phù hợp, chưa xác định rõ và đầy đủ đối tượng được hưởng chính sách, đề nghị cần cụ thể hóa tiêu chí “người có thu nhập thấp” đối với từng đối tượng cụ thể để bảo đảm chính xác, bao quát và công bằng đối với mọi đối tượng được hưởng chính sách và có quy định các hình thức hỗ trợ phù hợp. Thực tế thời gian qua, khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia các địa phương vướng nội dung này. Để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong các quy định, cần rà soát, bổ sung đầy đủ đối tượng cũng như sự hợp lý của tiêu chí thu nhập thấp đối với từng đối tượng cụ thể, đây là điều kiện tiên quyết để xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở - một chính sách ưu việt cho tất cả những người có thu nhập thấp.

Liên quan đến hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (điều 77), đại biểu cho rằng hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 77 là được tặng, cho, hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia hoặc chương trình đầu tư công về nhà ở. Tuy nhiên trên thực tế, nhóm đối tượng này có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng không được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Để giải quyết nhu cầu hỗ trợ nhà ở khu vực nông thôn còn rất lớn hiện nay, vừa qua, các địa phương triển khai 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, phạm vi triển khai thực hiện của 2 chương trình này không bao phủ khắp cả nước mà chỉ thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí được phê duyệt còn hạn chế, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở lớn nên độ bao phủ của các chương trình mục tiêu này đối với các đối tượng thụ hưởng của chương trình vẫn chưa được hết. Vì vậy, cần bổ sung nhóm đối tượng tại khoản 2, khoản 3, Điều 76 được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để đảm bảo tính khả thi của quy định.

Về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, tại điểm a, khoản 1, Điều 78, đại biểu đề nghị xem xét lại điều kiện “chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức”. Thực tế hiện nay, còn rất nhiều trường hợp đã được hỗ trợ theo các chương trình, chính sách khác, tuy nhiên hiện nay, các hộ này vẫn thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, nhà ở đã xuống cấp, không đảm bảo điều kiện về nhà ở, có nhu cầu được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội để đảm bảo cuộc sống; trong khi đó tại khoản 7, Điều 2 dự thảo luật quy định “Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định của Luật này”. Quy định điều kiện cụ thể như trong dự thảo luật sẽ không đảm bảo sự tiếp cận của nhiều đối tượng đối với chính sách hỗ trợ về nhà ở trong giai đoạn hiện nay cũng như sau này.

Về hình thức phát triển nhà ở xã hội (Điều 80), đại biểu thống nhất với chọn phương án 1 như dự thảo đề xuất “Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê”. Vì hiện nay nhu cầu về nhà ở cho công nhân rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước còn hạn chế, doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội nói chung, do đó rất cần thiết phải thiết kế một quy định có khả năng thu hút và giải phóng nguồn lực để huy động mọi lực lượng xã hội, trong đó có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia là cơ quan chủ quản xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê. Nhà nước cần tạo cơ chế để công đoàn tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò, thể hiện tính ưu việt, thế mạnh trong thu hút, tập hợp người lao động và gắn bó mật thiết với đoàn viên.

Tác giả: Lê Điệp (Phòng CT ĐBQH)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm19
  • Hôm nay4,494
  • Tháng hiện tại141,012
  • Tổng lượt truy cập9,012,228
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây