Đại biểu bày tỏ việc triển khai các Chương trình MTQG đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong nhiều năm qua có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với người dân sống ở nơi còn nhiều khó khăn, thể hiện được tính ưu việt của nhà nước ta. Kết quả thực hiện các Chương trình MTQG đã góp phần rất lớn trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên đại biểu cho rằng việc triển khai các Chương trình MTQG trong thời gian qua có một số hạn chế, bất cập với nhiều nguyên nhân chủ quan. Việc triển khai các Chương trình MTQG bị chậm: chậm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với một số nội dung quy định còn chưa rõ ràng, khó thực hiện, có nội dung trích dẫn dẫn đến nhiều văn bản khác, dẫn đến chậm triển khai thực hiện và tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương chậm.
Đại biểu đánh giá cao Báo cáo giám sát đã nhận định khá toàn diện việc triển khai thực hiện 03 Chương trình MTQG, chỉ ra khá đầy đủ những khó khăn, vướng mắc cũng như nguyên nhân trong triển khai thực hiện các Chương trình và mong rằng Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình và để tiếp tục đổi mới một cách toàn diện, đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời đại biểu có một số kiến nghị đối với việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trong thời gian tới.
Đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Ủy ban dân tộc hướng dẫn các địa phương lồng ghép vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn các huyện nghèo và các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn để hoàn thành mục tiêu của Chương trình đã được phê duyệt theo nguyên tắc lồng ghép vốn 03 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại điểm d, đ phần 1 mục VI Quyết định 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với yêu cầu thực tế. Vì đến nay do còn sự thiếu đồng bộ và chưa đầy đủ hướng dẫn thực hiện cụ thể đối với cơ chế lồng ghép nguồn lực nên địa phương gặp lúng túng, vướng mắc trong thực tiễn triển khai chính sách.
Xem xét, điều chỉnh cơ chế chính sách quản lý và tổ chức thực hiện Dự án 1 – Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng – kinh tế các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và dự án 2 – đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững cho phù hợp. Vì hiện nay theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 thì cơ quan chủ trì thực hiện 2 dự án trên là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến địa phương phân cấp cho cơ quan Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện. Trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn do không có chuyên môn về xây dựng, quản lý đầu tư công; về lĩnh vực phát triển sảm xuất không nắm được chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này nên khó triển khai thực hiện và không đảm bảo tính hiệu quả.
Đại biểu đồng tình với chủ trương, giải pháp: “cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân nguồn vốn ngân sách được phân bổ cho các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 chưa giải ngân hết tiếp tục thực hiện đến ngày 31/12/2024” được đưa ra trong dự thảo nghị quyết giám sát để khắc phục tình trạng giải ngân chậm hiện nay.