Sôi nổi trên nghị trường
Để có những ý kiến tham luận chất lượng, đúng và trúng trên diễn đàn Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH luôn có sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng trước các kỳ họp; chủ động nghiên cứu tài liệu, bồi dưỡng kiến thức, tìm kiếm các nguồn thông tin; phân công từng ĐBQH theo lĩnh vực chuyên ngành phụ trách, phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể tổ chức khảo sát thực tế; thường xuyên cải tiến cách thức lấy ý kiến rộng rãi, dân chủ đối với các dự án luật nhằm huy động nhiều cơ quan, tổ chức, chuyên gia tham gia. Qua 5 kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đóng góp ý kiến xây dựng 25 dự án luật thông qua, 27 dự án luật cho ý kiến, 88 nghị quyết và nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác. Có 123 lượt ý kiến của ĐBQH trong Đoàn phát biểu tại các phiên thảo luận tổ và 23 lượt phát biểu tại hội trường.
Thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đại biểu trước Quốc hội và cử tri, khi phát biểu tại nghị trường, các ĐBQH không chỉ tham gia bàn sâu về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, các dự án luật, dự thảo nghị quyết được trình… mà còn thẳng thắn, tâm huyết nêu ý kiến và đề xuất thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ sự phát triển chung của đất nước, của tỉnh. Hoạt động chất vấn được các ĐBQH trong Đoàn rất coi trọng, tại các kỳ họp của Quốc hội, có 1 đại biểu chất vấn trực tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ về các nội dung liên quan đến giải pháp giảm nghèo bền vững để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 và việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ; 1 đại biểu chất vấn bằng văn bản tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Nhiều ý kiến có chất lượng, sát với thực tiễn cuộc sống, mang tính phản biện cao được ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra, giải trình, tiếp thu và chỉnh lý trình Quốc hội thông qua.
Cử tri Hà Thị Sáu, phường Sông Hiến (Thành phố) cho biết: Theo dõi các kỳ họp của Quốc hội trên các phương tiện truyền thông, tôi thấy các ĐBQH của tỉnh phát biểu sôi nổi tại tổ và trên nghị trường, đồng thời thông tin, chuyển tải kịp thời ý kiến của cử tri tại các kỳ họp đầy đủ, như chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết những khó khăn trong cơ chế, chính sách học nghề, tạo việc làm của người dân; hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn dành cho giảm nghèo... Những phát biểu của ĐBQH là tâm tư, nguyện vọng được cử tri quan tâm, các ĐBQH tỉnh mang hơi thở cuộc sống đến nghị trường Quốc hội.
Đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri
Nửa đầu nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức 49 cuộc tiếp xúc cử tri (TXCT) với hơn 4.500 lượt cử tri của trên 90 xã, phường, thị trấn tham dự (trong đó có 1 hội nghị TXCT theo chuyên đề với công nhân, viên chức, người lao động với sự tham dự của hơn 500 cử tri).
Hoạt động TXCT của Đoàn ĐBQH có nhiều đổi mới từ nội dung đến hình thức và thành phần cử tri tham gia ngày càng rộng rãi hơn. Bên cạnh hình thức TXCT trước và sau kỳ họp tại đơn vị ứng cử, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức các buổi TXCT theo lĩnh vực, đối tượng, theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, theo địa bàn ứng cử và ngoài địa bàn ứng cử; tăng cường tổ chức các cuộc TXCT tại cơ sở, các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn; tiếp cử tri tại nơi làm việc, nơi cư trú của ĐBQH; tổ chức cho ĐBQH luân phiên TXCT ở các huyện, Thành phố.
Đặc biệt, Sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, lần đầu tiên Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức TXCT ngoài địa bàn ứng cử để gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri là nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số quê Cao Bằng đang sinh sống và lập nghiệp tại xã Ya Hội, huyện Đắk Pơ (Gia Lai) và xã Đắk Ngọc, huyện Đắk Hà (Kon Tum). Qua đó, kịp thời nắm bắt, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri ở nhiều nội dung và trên nhiều lĩnh vực.
Từ những ý kiến, kiến nghị của cử tri qua lần gặp gỡ, tiếp xúc và trực tiếp đi cơ sở đến các vùng sâu, vùng xa, chứng kiến những vấn đề bất cập nảy sinh trong thực tiễn, các ĐBQH tỉnh đưa tiếng nói, nguyện vọng của cử tri đến nghị trường Quốc hội. Từ năm 2021 đến nay, có hơn 400 lượt cử tri phát biểu, tổng hợp phân loại được 316 kiến nghị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. ĐBQH tỉnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất đã theo dõi, giám sát đến cùng việc xử lý các kiến nghị, bức xúc, đồng thời đưa ra những kiến nghị đến các cơ quan liên quan. Cụ thể, 229 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương được các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp trả lời, tiếp thu tại hội nghị; 87 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi các cơ quan nghiên cứu, trả lời cử tri theo quy định. Đến nay, đa số các kiến nghị của cử tri được các bộ, ngành trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm.
Thiết thực trong giám sát
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức phát biểu tại buổi giám sát chuyên đề thực hiện chính sách,pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay có sự chuyển biến tích cực. Chương trình giám sát và những vấn đề cử tri quan tâm là hai căn cứ cốt yếu trong việc triển khai các hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh. Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bế Minh Đức, các nội dung được giám sát đều là những vấn đề cử tri, dư luận đặc biệt quan tâm. Qua đó, các cấp chính quyền địa phương đánh giá nghiêm túc tình hình tổ chức thực hiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ. Từ thực tiễn của tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất những chủ trương, giải pháp với Quốc hội, cùng với chính quyền địa phương khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức giám sát trên địa bàn tỉnh về 6 chuyên đề theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung: Thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021; thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/7/2016 - 1/7/2021; huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh; thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022; thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021; thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Với sự nỗ lực, đổi mới trong quá trình hoạt động, từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tạo dấu ấn tích cực với Quốc hội và cử tri, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đóng góp tích cực vào thành tựu chung của Quốc hội.
Tác giả: Lê Điệp (Phòng CT ĐBQH)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn