Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024

Thứ bảy - 18/11/2023 01:35
Sáng 17/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Các đồng chí: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đồng chủ trì.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội, kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND, UBND các tỉnh, Thành phố với trên 1.600 đại biểu tham dự.
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng.
Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: Giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước là một trong 3 chức năng quan trọng của Quốc hội. Bắt đầu từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hằng năm, UBTVQH tổ chức hội nghị triển khai chương trình giám sát của năm tiếp theo. Đây là một bước đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, được ĐBQH, nhân dân và cử tri đánh giá cao. Năm 2023, Quốc hội chọn giám sát tối cao 2 chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực; hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc, theo quy định của pháp luật; hoạt động “giám sát lại” được triển khai với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa; tổ chức chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV, khóa XV thực chất, hiệu quả.

Quốc hội thông qua Nghị quyết số 90/2023/QH15 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 với nhiều nội dung giám sát, yêu cầu cụ thể hơn trong việc tổ chức thực hiện đối với UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội.

Quốc hội chọn giám sát tối cao 2 chuyên đề gồm: “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

UBTVQH ban hành Nghị quyết số 833/NQ-UBTVQH15 ngày 27/7/2023 về Chương trình giám sát của UBTVQH năm 2024. Theo đó, chọn 2 chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, kinh nghiệm hay trong công tác giám sát của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH; làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong các hoạt động giám sát; trao đổi, thống nhất về nhận thức, nội dung, công tác phối hợp, các biện pháp để tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH trong năm 2024. Qua đó, nhằm góp phần đưa các chính sách, pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm có hiệu quả cao, đáp ứng sự mong mỏi của người dân và cử tri cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định: Hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH là nhiệm vụ quan trọng luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm quán triệt chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện. Thông qua các hoạt hoạt động giám sát, đã phát hiện, chấn chỉnh và có biện pháp, kiến nghị xử lý những thiếu sót, hạn chế, vi phạm và hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước. Chỉ đạo các bộ, ban, ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ, kịp thời nội dung báo cáo theo đề cương yêu cầu của các đoàn giám sát cũng như các thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến nội dung giám sát; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thực hiện đầy đủ nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát, các báo cáo thực hiện của Chính phủ được đoàn giám sát ghi nhận, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, quá trình thực hiện các chương trình giám sát vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như: Một số nội dung giám sát đôi khi có sự trùng lặp giữa các nghị quyết về giám sát chuyên đề và nghị quyết chất vấn của Quốc hội dẫn đến tình trạng Chính phủ phải báo cáo với Quốc hội, UBTVQH nhiều lần với cùng một nội dung; một số nội dung yêu cầu trong báo cáo giám sát có lúc chưa cụ thể về phạm vi không gian, thời gian, địa điểm dẫn đến việc báo cáo và kiểm chứng thực hiện gặp khó khăn, lúng túng, khó xác định rõ người, rõ việc trong quá trình thực hiện...

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, UBNTVQH tập trung vào một số trọng điểm trong hoạt động giám sát năm 2024. Trong đó, tập trung cao độ cho dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; sẽ ban hành nghị quyết của UBTVQH hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các nghị quyết liên tịch để tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu HĐND. 

Các đoàn giám sát chuyên đề cần tập trung giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và nhất là khâu tổ chức thực thi để luật và các chủ trương đi vào cuộc sống và thực hiện nghiêm. Đối với các hình thức giám sát khác, tiếp tục nghiên cứu cách thiết tiến hành chất vấn tại các kỳ họp và phiên họp của UBTVQH; làm tốt chất vấn giữa nhiệm kỳ của UBTVQH. Sớm báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục công tác tổng rà soát theo Nghị quyết 101/2023/QH15; đặc biệt tập trung vào việc cải cách hành chính, nhất là về thủ tục hành chính.

Tiếp tục quan tâm công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát; đổi mới, tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội. Tăng cường công tác phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, hệ thống chính trị ở địa phương.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát có tác động quan trọng không chỉ liên quan đến chất lượng của hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước mà còn liên quan đến toàn bộ hoạt động của Nhà nước, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

 

Tác giả: CTV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay2,970
  • Tháng hiện tại131,121
  • Tổng lượt truy cập9,210,137
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây