Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường về Luật Đất đai (sửa đổi)

Chủ nhật - 05/11/2023 10:27
Sáng 3/11, trong phiên thảo luận ở hội trường, đại biểu Bế Minh Đức, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu Bế Minh Đức, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu Bế Minh Đức, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã rất nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia của các đại biểu quốc hội và cơ bản đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp.

Tại Khoản 2, Điều 34 quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hằng năm, đại biểu đề nghị lựa chọn phương án 1. Vì quy định như phương án 1 để phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 54 Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Đồng thời, việc loại trừ quyền bán, quyền thế chấp và quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hằng năm sẽ bảo toàn được đất Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập.

Nêu ý kiến về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại Khoản 7, Điều 45, đại biểu cho rằng: Thực tế ở các tỉnh miền núi, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đại đa số công chức, viên chức, lao động, công nhân các công ty đóng trên địa bàn vẫn làm việc và luân phiên nghỉ do không có công việc để làm,… nhóm đối tượng này ngoài giờ làm việc hưởng lương vẫn sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, trồng màu, tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống bởi nguồn thu nhập từ tiền công, tiền lương chưa bảo đảm cuộc sống.

Bên cạnh đó, nhiều người sinh ra, lớn lên tại vùng nông thôn chủ yếu có đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa, gia đình có truyền thống trồng lúa để phục vụ nhu cầu cung cấp lương thực cho chính gia đình mình. Nhu cầu nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa với các nhóm đối tượng này là hoàn toàn thiết thực, chính đáng, phù hợp với tập quán canh tác, sản xuất, cũng như nguyện vọng của các bên chuyển quyền và nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Nếu lựa chọn phương án 1 sẽ không khả thi khi muốn nhận chuyển nhượng, tặng cho, cá nhân phải thành lập tổ chức kinh tế không phụ thuộc vào diện tích đất nhận chuyển nhượng/tặng cho, bởi lí do sau đây: Đa số đất đai đều có nguồn gốc do cha ông để lại, một số người sử dụng đất có tâm lý muốn tặng cho người thân không được coi là hàng thừa kế hoặc do có nhiều đất ruộng nên chia bớt cho người thân có tư liệu sản xuất, phục vụ đời sống, phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, có những cá nhân chỉ có nhu cầu nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa với quy mô nhỏ phù hợp vào nhu cầu, sức khỏe, khả năng lao động, khả năng tài chính, thời gian… để sản xuất nông nghiệp, vì vậy việc thành lập tổ chức kinh tế là yêu cầu phức tạp và không cần thiết, ảnh hưởng đến nguyện vọng chính đáng của cá nhân.

Mặt khác, căn cứ tại Điểm b Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp, do vậy không đáp ứng được tiêu chí mà dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định. Việc lựa chọn phương án 1 có thể xuất hiện trường hợp nhờ đứng tên hộ khi nhận chuyển nhượng, tặng cho, dẫn đến nguy cơ tranh chấp, các hợp đồng được lập tại các cơ quan có thẩm quyền là hợp đồng nhằm che giấu nội dung khác. Để Luật Đất đai đi vào cuộc sống và có tính khả thi đề nghị Quốc hội lựa chọn phương án 3.

Về thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị Quốc hội xem xét, bỏ quy định việc nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ (bỏ Khoản 27 Điều 79) và điều chỉnh các điều kiện khác có liên quan cho phù hợp, đồng bộ, thống nhất của điều luật.

Đại biểu nêu các lý do sau đây: Dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ là các dự án chủ yếu mang lại giá trị lợi nhuận cho nhà đầu tư, do đó nên áp dụng cơ chế tự thỏa thuận để đạt được sự đồng thuận giữa người dân và chủ đầu tư, cũng như bảo đảm quyền lợi cho người dân. Đồng thời, để đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương tại mục 2.3 điểm 2 phần IV Nghị quyết này quy định: “… Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”. Đồng thời, dự thảo luật cần quy định cơ chế để giải quyết trường hợp chủ đầu tư không thể thỏa thuận hết với các chủ sử dụng đất có liên quan.

Tác giả: Dương Tường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay4,397
  • Tháng hiện tại140,915
  • Tổng lượt truy cập9,012,131
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây