Phát biểu thảo luận về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Lê An, Phó Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, hiện nay, nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ lưu vực sông nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu; nhiều dự án, chương trình xử lý ô nhiễm, phục hồi nguồn nước, môi trường tại các lưu vực sông chậm tiến độ. Nhu cầu đầu tư cho công tác bảo vệ tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước ngày càng cao, ngân sách Nhà nước đang ngày càng chịu áp lực lớn; trong khi đó việc huy động nguồn lực thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư chưa được thực hiện do chưa có quy định rõ ràng và cơ chế hiệu quả. Luật Tài nguyên nước năm 2012 (điều 10, 12 và 28) mới chỉ quy định nguồn kinh phí triển khai đối với việc quan trắc tài nguyên nước, xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, điều tra cơ bản tài nguyên nước do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Vì vậy, chính sách xã hội hóa chưa được thể hiện và quy định rõ trong Luật Tài nguyên nước năm 2012.
Trong giai đoạn hiện nay, đổi mới thể chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước là cần thiết và thiết yếu, góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước thông qua huy động các nguồn vốn, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và bảo đảm các chính sách về tài nguyên nước được thực thi một cách hiệu quả, đồng bộ. Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã nêu rõ tầm quan trọng của việc đa dạng hóa các nguồn lực và thúc đẩy xã hội hóa. Trong dự thảo luật lần này, chính sách xã hội hóa mới chỉ được thể hiện tại Điều 72, 74 của dự thảo, vì vậy, để huy động các nguồn lực cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, cần bổ sung thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác ngoài ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ trên.
Hạn của giấy phép về tài nguyên nước (Điều 54), đại biểu cho biết dự thảo luật đang quy định thời hạn của giấy phép về tài nguyên nước theo hướng quy định mức tối đa và mức tối thiểu cho từng loại giấy phép; còn các vấn đề liên quan đến việc cấp phép của cơ quan nhà nước ngày càng được minh bạch hóa và quy định cụ thể ở các văn bản luật. Việc quy định như Điều 54 dự thảo có thể dẫn đến tình trạng “cảm tính”, “tùy nghi” và “thiếu sự rõ ràng” trong việc cấp thời hạn cho giấy phép về tài nguyên nước. Hơn nữa, quy định về thời hạn được nâng lên từ nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã có quá trình tổ chức thực hiện thực tiễn khá dài. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đặt ra nhiệm vụ “xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận; tăng cường xây dựng các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp”. Do đó, cần quy định cụ thể hơn trong dự thảo luật nội dung này.
Về ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động bảo vệ, phát triển tích trữ nước và phục hồi nguồn nước, đại biểu cho rằng tại khoản 2, điều 73 quy định chưa bao quát hết các đối tượng được hưởng ưu đãi, hỗ trợ. Các đối tượng chính sách, trợ cấp xã hội khác… có thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ hay không, đề nghị ban soạn thảo xem xét, rà soát bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Tác giả: Lê Điệp (Phòng CT ĐBQH)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn