Toàn tỉnh Cao Bằng giao nhiều đất rừng cho các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu làm dự án làm kinh tế rừng trên địa bàn, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT cho thấy, tỉnh Cao Bằng đã cho 04 đơn vị thuê đất để thực hiện dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh gồm: Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng (VINAFOR) cho thuê với diện tích 18.983,8ha; Công ty TNHH Quang Minh cho thuê với diện tích dự án: 3.361,01ha; Công ty TNHH Kỹ nghệ thương mại Hà Nội cho thuê với diện tích 1.996,36 ha, thời hạn cho thuê 50 năm để thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu giấy tại các xã Thắng Lợi, Đồng Loan, Minh Long của huyện Hạ Lang; Hợp tác xã nông lâm nghiệp Đồng Tâm được thuê với diện tích 347,5 ha. Tuy nhiên, sau khi nhận bàn giao đất, các Công ty, doanh nghiệp, HTX đều đưa ra nhiều lý do không triển khai trồng rừng theo đúng kế hoạch. Điều này dẫn đến phần lớn diện tích đất đã bàn giao bị để không, kém hiệu quả, cùng với đó diện tích rừng trồng được của các dự án này đạt rất thấp so với mục tiêu của Dự án đề ra. Nhận thấy sự kém hiệu quả này, người dân muốn nhà nước sớm thu hồi những diện tích kém hiệu quả về để người dân thuê lại.
Thế nhưng để thu hồi lại số đất rừng đã giao gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân là do việc bàn giao trên thực địa về đất đai chưa có, do vậy mà việc bàn giao theo nguyên trạng trước đây theo hồ sơ của các lâm trường đã giao khoán cho các hộ dân sử dụng, sau khi nhận giao khoán một thời gian thì địa phương làm hồ sơ đề nghị được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp nên hiện nay diện tích bị chồng chéo giữa các hộ gia đình được giao quản lý đất đai và các Công ty, Doanh nghiệp, HTX được giao số diện tích được quản lý chưa rõ ràng. Khi chưa có đất giao trên thực địa việc tổ chức triển khai thực hiện các Công ty, doanh nghiệp, HTX không chủ động được cho nên có những chỗ phải thuê khoán lại, nhiều hộ gia đình có ký kết liên kết nhưng sau lại không bán sản phẩm cho các Công ty, doanh nghiệp, HTX liên kết dẫn đến họ cũng bị thiệt hại vì vậy Công ty, doanh nghiệp, HTX cũng không có quyết tâm trong việc triển khai thực hiện. Hiện nay, nhiều Công ty, doanh nghiệp, HTX rất muốn trả lại đất đã thuê, nhưng không thể trả được mà phải có hồ sơ, bản đồ nhưng do việc đo đạc rất tốn kém phức tạp và mất rất nhiều thời gian nên hầu hết các chủ dự án thực hiện rất chậm nên chưa thể trả lại đất cho UBND tỉnh để giao lại cho người dân sử dụng đúng mục đích có hiệu quả hơn.
Đến nay, các Công ty, doanh nghiệp, HTX xin trả lại đất cho UBND tỉnh trong đó có Công ty TNHH Quang Minh muốn trả lại toàn bộ; Công ty TNHH Kỹ nghệ thương mại Hà Nội cũng xin trả lại phần lớn, chỉ giữ lại diện tích mà Công ty đã trồng; Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng (VINAFOR) đề nghị giữ lại khoảng trên 200ha/18.983,8ha, nhưng do thủ tục trả lại đất rất phức tạp nên cũng chưa triển khai thực hiện được. Hiện nay việc khó khăn nhất là thiếu kinh phí đo vẽ bản đồ đất lâm nghiệp, việc này sở Nông nghiệp và PTNT sẽ đề xuất với UBND tỉnh xem xét bổ sung vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 -2030 để tiếp tục giải quyết các khó khăn vướng mắc nêu trên.
Để làm rõ hơn về việc kết quả thực hiện thu hồi diện tích trồng rừng kém hiệu quả của các Công ty, doanh nghiệp, sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Công ty TNHH Quang Minh; Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng (VINAFOR) báo cáo và làm rõ các vấn đề vướng mắc hiện nay. Đối với Công ty TNHH Kỹ nghệ thương mại Hà Nội thuê đất trồng rừng tại 03 xã Đồng Loan, Minh Long, Thắng Lợi của huyện Hạ Lang hiện nay đã thực hiện thu hồi xong diện tích đất rừng của 2 xã Đồng Loan đã thu hồi 140 ha; xã Minh Long thu hồi 830 ha. Xã Thắng Lợi còn 1000 ha hiện nay đang thực hiện và hoàn thành trong tháng 10/2024. Số đất rừng thực hiện thu hồi xong sở đã bàn giao cho huyện Hạ Lang quản lý.
Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các ngành liên quan khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, đề xuất hướng xử lý phù hợp, đảm bảo theo quy định đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được UBND tỉnh cho thuê đất để thực hiện các dự án trồng rừng nhưng không đạt tiến độ và hiệu quả./.