Trên địa bàn toàn tỉnh đến thời điểm (tháng 4/2024), có 1.504 công trình cấp nước nông thôn, trong đó: 1.057 công trình hoạt động bền vững, bình thường, 240 công trình hoạt động kèm hiệu quả, 207 công trình không hoạt động. Tuy nhiên, qua kiểm kê tài sản kết cấu hạ tầng nước sạch nông thôn, danh mục công trình không hoạt động đã tăng lên thêm 14 danh mục công trình, nâng tổng danh mục công trình không hoạt động và hoạt động không hiệu quả lên 461 danh mục. Hiện nay các đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện sửa chữa, khắc phục được 48/461 công trình (10,4%) (trong đó: 28/207 công trình không hoạt động và 20/240 công trình hoạt động không hiệu quả).
Sau khi rà soát, tổng hợp nhu cầu đề xuất khắc phục, sửa chữa, đầu tư (tại thời điểm tháng 6/2025) theo báo cáo của các địa phương: Nhu cầu khắc phục, sửa chữa, đầu tư: 312 công trình, với tổng kinh phí dự kiến là 155,292 tỷ đồng. Công trình không còn nhu cầu sử dụng: 28 công trình (lý do chủ yếu là nguồn nước không đảm bảo, một số công trình đã được đầu tư công trình mới). Công trình không đề xuất sửa chữa, khắc phục: 73 công trình.
Số công trình cấp nước nông thôn có nhu cầu khắc phục, sửa chữa, đầu tư còn rất lớn cụ thể còn 312 công trình nhưng chưa được giải quyết vì các công trình được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau, do nhiều chủ đầu tư thực hiện (theo kết quả kiểm kê tài sản thì 203/221 công trình hư hỏng, không sử dụng được là các địa phương đầu tư, chiếm 91,8%); bên cạnh đó công tác bàn giao tài sản chưa thực hiện đúng quy định. Mô hình hoạt động do Tổ cộng đồng quản lý, vận hành, số tiền thu từ người hưởng chủ yếu để duy trì quản lý vận hành, kinh phí để duy tu, sửa chữa bảo trì thường xuyên chiếm tỷ lệ rất ít. Chưa đề xuất bố trí được nguồn kinh phí để thực hiện khắc phục, sửa chữa các công trình không hoạt động, công trình hoạt động không hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề nêu trên trong thời gian tới sở Nông nghiệp và Môi trường phải thực hiện rà soát, đánh giá theo kết quả kiểm kê tài sản, đề xuất thực hiện phương án bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định tại Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch. Đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương và huy động nguồn lực để thực hiện công tác duy tu, bảo trì công trình cấp nước. Rà soát nhu cầu, hàng năm xây dựng kế hoạch duy tu, sửa chữa thường xuyên; đề xuất kinh phí tập huấn cho các Tổ quản lý vận hành để nâng cao hiệu quả vận hành. Nhân rộng mô hình quản lý, vận hành tại cộng đồng để các công trình sau đầu tư hoạt động hiệu quả. Xây dựng hoàn thiện các quy định về quản lý, khai thác công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đề xuất các tổ cộng động xây dựng bảng giá, trình sở thẩm định, báo cáo UBND tình HĐND về giá thu phí sử dụng nước sạch, từ đó phân bổ kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng công trình thường xuyên, đảm bảo công trình sử dụng hiệu quả. Tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm trong việc chi trả tiền nước, sử dụng, bảo vệ công trình nước sạch trên địa bàn đảm bảo phát huy hiệu quả, bền vững.