Những vướng mắc khó khăn đã được tháo gỡ
Việc khan hiếm vật liệu xây dựng đã và đang diễn ra chủ yếu là khan hiếm về đất đắp nền của một số công trình, dự án và khan hiếm cục bộ đá xây dựng do vận chuyển xa; đối với các địa phương khan hiếm cát đều không có tiềm năng khoáng sản cát hoặc không có quy hoạch mỏ cát.
Trước tình hình khan hiếm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh diễn ra trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND tỉnh và các Sở, ngành, địa phương khẩn trương tham mưu các giải pháp giải quyết khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường, đảm bảo vật liệu thi công các công trình, dự án.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã cấp 09 giấy phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường (trong đó: 04 mỏ đá, 02 giấy phép khai thác đá trong diện tích dự án đầu tư xây dựng công trình với tổng trữ lượng 5.043.563 m3, tổng công suất khai thác 659.784 m3/năm; 02 mỏ đất, 01 giấy phép khai thác đất trong diện tích dự án đầu tư xây dựng công trình với tổng trữ lượng 1.443.032 m3, tổng công suất khai thác 1.013.277 m3/năm). Cấp 10 Bản xác nhận đăng ký khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường trong diện tích dự án đầu tư xây dựng công trình với tổng trữ lượng 506.919 m3 (432.576 m3 đất, 74.343 m3 đá).
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 43 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực. Trong đó: 32 giấy phép khai thác đá, tổng trữ lượng 18.343.399 m3, tổng công suất khai thác 1.473.056 m³ nguyên khối/năm; 06 giấy phép khai thác cát, sỏi, tổng trữ lượng 4.693.071 m3, tổng công suất khai thác 412.750 m³/năm; 02 giấy phép khai thác đất sét làm gạch, tổng trữ lượng 2.545.659 m3, tổng công suất khai thác 115.000 m³/năm; 03 giấy phép khai thác đất san lấp, trữ lượng 1.443.032 m3, công suất khai thác 1.033.105 m3/năm. Ban hành 03 Quyết định cho phép khai thác khoáng sản đi kèm (đất, đá) tại 03 mỏ đã được cấp giấy phép khai thác, công suất khai thác khoáng sản đi kèm là: 207.500 m3 đá/năm, 8.000 m3 cát sỏi/năm, 180.473 m3 đất/năm.
Ngoài ra, từ năm 2024 đến 4/7/2025, UBND tỉnh xác nhận khối lượng khoáng sản được phép khai thác trong phạm vi diện tích dự án xây dựng công trình để phục vụ thi công dự án là: 1.045.211 m3 đá và 6.210.926 m3 đất san lấp. Về sản lượng khai thác đá năm 2024, theo số liệu báo cáo định kỳ của các mỏ là 1.160.619 m3 nguyên khai, tương đương khoảng 786.860 m3 nguyên khối (đạt khoảng 62,3% công suất cấp phép các mỏ đá). Như vậy, công tác cấp phép khai thác VLXD thông thường đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu VLXD cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh (theo Kế hoạch phát triển VLXD tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2020-2030, thì nhu cầu đá xây dựng năm 2025 là 1,4 triệu m3). Một số địa phương thiếu VLXD chủ yếu là khan hiếm cục bộ do tăng mạnh công trình xây dựng.
Cần có giải pháp linh hoạt khi thực hiện các thủ tục
Các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính hoặc phối hợp thẩm định thủ tục hành chính liên quan đến hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản, nâng công suất mỏ khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và các thủ tục để đưa mỏ vào khai thác chính thức khi có đề nghị của cơ quan chủ trì (đấu giá, thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản; cấp chủ trương đầu tư; thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư khai thác mỏ, thiết kế mỏ; cấp giấy phép khai thác khoáng sản; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đối với các mỏ; thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế; giấy phép môi trường; giấy phép xây dựng; giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy…).
Các sở, ban, ngành, UBND các xã, phường được giao làm Chủ đầu tư dự án rà soát các dự án, công trình đang thi công và chuẩn bị thi công thực hiện thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó; hoặc nếu có lượng đất, đá dôi dư sau khi đã đăng ký khai thác, sử dụng tại chỗ có thể cung cấp cho các công trình dự án khác, thì thực hiện thủ tục đăng ký khai thác theo quy định.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các đơn vị liên rà soát lại vị trí, tọa độ các mỏ khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh (chuẩn hóa lại toạn độ); điều chỉnh, mở rộng diện tích quy hoạch các mỏ hoặc bổ sung quy hoạch mỏ có quy mô diện tích lớn để có cơ sở nâng công suất khai thác; xác định vị trí, diện tích khu phụ trợ trong các quy hoạch liên quan.
Sở Nông nghiệp và Môi trường: Hướng dẫn, đôn đốc các chủ dự án đã được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thực hiện thủ tục khai thác khoáng sản đi kèm làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát, sỏi nằm trong khu vực khai thác hoặc bãi thải của mỏ đang hoạt động, đạt chất lượng làm vật liệu xây dựng thông thường); thực hiện thủ tục nâng công suất, mở rộng quy mô khai thác theo quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản giai đoạn 2021-2030; Triển khai Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh năm 2024 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1426/QĐ-UBND ngày 30/10/2024. Hướng dẫn, đôn đốc các mỏ đã trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản lập, nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản và các thủ tục liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường; Đôn đốc các đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản các mỏ VLXD thông thường khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác; trong tháng 7/2025 tham mưu UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp, HTX đầu tư dự án khai thác vật liệu xây dựng để nắm bắt tình hình sản xuất, tiến độ thực hiện các dự án đã trúng đấu giá, để từ đó đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từng bước giải quyết tình trạng khan hiếm VLXD trên địa bàn tỉnh.