Trả lời kiến nghị này, tại báo cáo số 417/BC-UBND, ngày 29/2/2024, UBND tỉnh cho biết:
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, huyện Hà Quảng được Thủ tướng Chính phủ Quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012. Trong đó, hồ sơ thẩm định trình xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt khu di tích lịch sử Pác Bó được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa (Luật số 32/2009/QH12, ngày 18/6/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa).
Theo hồ sơ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, khu vực quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích trên địa bàn xóm Pác Bó cụ thể như sau:
- Cụm di tích Đầu nguồn Khuổi Nặm và Bó Bẩm: Khu vực bảo vệ I là 1.004.000 m2 tương đương 100,4 ha (trong đó riêng xóm Bó Bẩm là 3.978 m2). Khu vực bảo vệ II là 194.300 m2.
- Di tích khu ruộng Nà Chang: Khu vực bảo vệ I là 1.083m2. Khu vực bảo vệ II là 62.850 m2.
- Di tích nền nhà ông La Thanh: Khu vực bảo vệ I là 131 m2.
- Cụm khu vực sân trung tâm: Khu vực bảo vệ II là 299.000 m2.
Theo quy định tại Điều 32 Luật Di sản văn hóa (được sửa đổi, bổ sung năm 2009):
"1. Các khu vực bảo vệ di tích bao gồm:
a) Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích;
b) Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I.
Trong trường hợp không xác định được khu vực bảo vệ II thì việc xác định chỉ có khu vực bảo vệ I đối với di tích cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, đối với di tích quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định, đối với di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Các khu vực bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều này phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực địa.
3. Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.
Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích."
Căn cứ các quy định nêu trên, việc quy hoạch sử dụng đất tại xóm Pác Bó, xã Trường Hà phải được thực hiện theo Luật Di sản văn hoá và phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Trong quá trình quản lý, xây dựng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Pác Bó thực hiện theo Quyết định số 1146/QĐ-TTg ngày 29/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án xây dựng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Pác Bó, tỉnh Cao Bằng. Thực hiện Quyết định số 1146/QĐ-TTg, tại khu vực khoanh vùng bảo vệ II trên địa bàn xóm Pác Bó đã được Nhà nước quan tâm, nhất trí chủ trương đầu tư và xây dựng một số công trình phụ trợ phục vụ công tác quản lý bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích như công trình Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà trưng bày và nhà làm việc Khu di tích, Bến đỗ xe, biểu tượng Km0 đường Hồ Chí Minh, khu chợ nông sản, khu 34 ki ốt ngã ba Khuổi Nặm suối Lê Nin,…
UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan xây dựng đề án quy hoạch 03 di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích đặc biệt Pác Bó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các đơn vị tiến hành xây dựng lập quy hoạch các di tích Quốc gia đặc biệt (trong đó có quy hoạch xây dựng khu vực xóm Pác Bó, xã Trường Hà thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó) phù hợp với Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự kiến trong quý II/2024, UBND tỉnh sẽ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, thẩm định.