Trả lời vấn đề này UBND tỉnh cho biết:
- Trên địa bàn huyện Hòa An có Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng (VINARFOR Cao Bằng) thực hiện công tác trồng rừng thuộc Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2010 -2020. Dự án đã trồng rừng mới được 696,8ha; cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt 202,7ha; phần diện tích còn lại chưa trồng, chưa đạt được mục tiêu của dự án; trong đó có khoảng 3.288,22ha chậm tiến độ sử dụng đất. Nguyên nhân ảnh hưởng tiến độ dự án được thể hiện tại các báo cáo của Công ty TNHH Lâm nghiệp, kết quả kiểm tra, rà soát của Sở Nông nghiệp và PTNT và kết luận của UBND tỉnh. Năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích đã được thuê, bóc tách diện tích không sử dụng cho dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đề nghị trả lại. Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng đã đề nghị trả lại 7.657,2ha (Công văn số 24/CV-CT ngày 26/8/2022 của Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng đề nghị trả lại 6.605,39ha; Công văn số 34/CV-CT ngày 30/10/2022 của Công ty TNHH lâm nghiệp Cao Bằng đề nghị trả lại 1.051,81ha) tại 07 xã (Bạch Đằng, Bình Dương, Lê Chung, Ngũ Lão, Quang Trung, Nguyễn Huệ, Chu Trinh).
- Đất rừng của nhân dân không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không được hưởng các nguồn hỗ trợ của nhà nước (như hỗ trợ trồng quế, trồng dược liệu...): Đối tượng được hưởng các nguồn hỗ trợ của nhà nước là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến thực hiện các chương trình có hoạt động lâm nghiệp, với điều kiện và tiêu chí được hỗ trợ là có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cấp có thẩm quyền hoặc đã sử dụng đất ổn định trong vòng 3 năm trở lên không có tranh chấp.
- Chuyển diện tích đất rừng không hiệu quả, diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất để nhân dân địa phương được phát triển trồng rừng và các loài cây có giá trị kinh tế cao để tăng gia sản xuất nâng cao thu nhập, ổn định đời sống:
+ Theo kết quả rà soát đất rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển sang quy hoạch rừng sản xuất tổng số 26.787ha của toàn tỉnh. Thực hiện Quyết định số 536/QĐ-TTg, ngày 17/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050, UBND tỉnh Cao Bằng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT chuyển sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất và tích hợp trong quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050.
+ Ngoài ra, các chủ rừng có nhu cầu chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, đề nghị chủ rừng thực hiện theo quy định tại Điều 18 Luật Lâm nghiệp, việc chuyển loại rừng được quy hoạch là rừng phòng hộ rừng sang rừng sản xuất phải đáp ứng các điều kiện: (1) Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp; (2) Đáp ứng các tiêu chí phân loại rừng (đủ các tiêu chí của rừng sản xuất); (3) Chủ rừng xây dựng phương án chuyển loại rừng được quy định tại điều 39 Nghị định 156/2018/NĐ -CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
* Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
- Đối với địa bàn huyện Hòa An:
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hòa An, đang triển khai dự án Lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất (được phê duyệt tại Quyết định số 506/QĐ-UBND ngày 31/3/2021), dự án được triển khai trên địa bàn các xã, thị trấn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ sử dụng đất đối với các thửa đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ ít xung yếu trước đây nay chuyển sang rừng sản xuất (kể cả trường hợp chưa được cấp Giấy CNQSD đất, nếu nằm trong ranh giới dự án sẽ tiến hành cấp Giấy CNQSD đất lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân nếu đủ điều kiện) để các hộ gia đình, cá nhân được đầu tư theo mục đích sử dụng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho chủ sử dụng đất đầu tư, khai thác lợi thế đất rừng sản xuất để phát triển kinh tế Nông, Lâm nghiệp.
Đối với địa bàn các xã có đất cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng được UBND tỉnh cho thuê đất, nhưng hoạt động không hiệu quả, ngày 28/8/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức cuộc họp trao đổi, thống nhất phương án triển khai bàn giao đất Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng trả lại địa phương. Cuộc họp đã kết luận:
“Để tạo điều kiện cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng thuê, quản lý, sử dụng phần đất phù hợp với thực tế cũng như bàn giao lại các phần diện tích đất còn lại cho địa phương quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật, các thành phần tham gia cuộc họp thống nhất: Trên cơ sở bản đồ địa chính đã được phê duyệt của Dự án xác định ranh giới, cắm mốc, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Công ty TNHH lâm nghiệp Cao Bằng (bản đồ địa chính theo Quyết định số 688/QĐ-UBND ngày 17/5/2017 của UBND tỉnh Cao Bằng, Quyết định Phê duyệt Dự án: Xác định ranh giới cắm mốc, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Công ty TNHH Lâm Nghiệp Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) theo quy định; Công ty TNHH Lâm nghiệp Cao Bằng có trách nhiệm xác định chính xác phần diện tích cần giữ lại (theo nhu cầu của Công ty) để tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng theo từng thửa đất; Lập báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất xin chủ trương với UBND tỉnh cho phép trả lại các diện tích do Công ty xác định trên nền bản đồ địa chính nghiệm thu theo Dự án tại Quyết định số 688/QĐ-UBND.
Sau khi đề xuất về diện tích trả lại và giữ lại sử dụng của Công ty được UBND tỉnh chấp thuận và Chủ trương đầu tư dự án Đầu tư bảo về và phát triển rừng của Công ty được điều chỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh về việc thu hồi đất, bàn giao đất theo quy định của pháp luật.”
Hiện nay Công ty và các đơn vị đang triển khai theo kết luận.
- Đối với địa bàn huyện Hà Quảng:
Dự án Lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất trên địa bàn các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hạ Lang, Hà Quảng đã được HĐND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 27/4/2023 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án: Lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất trên địa bàn các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hạ Lang, Hà Quảng; thời gian thực hiện dự án: Năm 2023-2025. Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai các thủ tục tiếp theo của Dự án: Lập thiết kế kỹ thuật dự toán, lựa chọn đơn vị tư vấn thi công…