Qua giám sát việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG cho thấy, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Bảo Lâm cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chủ trương đầu tư được phê duyệt, các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả cụ thể:
Giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn vốn được giao là 448.926 triệu đồng, trong đó, vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 250.388 triệu đồng, vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên 31.522 triệu đồng, vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 167.016 triệu đồng. Giải ngân đến hết 30/6/2023 được 174.000/448.926 triệu đồng, bằng 38,75% tổng vốn giao.
Đối với tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tổng số danh mục dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư công từ năm 2021 đến nay là 46 công trình, dự án với tổng mức đầu tư phê duyệt gần 274.000 triệu đồng, kết quả giải ngân đến hết ngày 30/6/2023 đạt 57,47% (tính cả số vốn chuyển nguồn)....
Tuy nhiên, do công tác rà soát, chuẩn bị triển khai các công trình, dự án còn hạn chế, dẫn đến một số công trình chưa thi công được như: (Công trình chợ Trung tâm thị trấn Pác Miầu; Đường GTNT Lũng Vài – Khau Trù – Nà Mấư, xã Mông Ân; Đường kết nối QL34 đi chợ Nông sản, chợ bò Trung tâm thị trấn Pác Miầu); vướng chuyển đổi đất rừng (Đường giao thông liên xã, huyện tuyến xóm Phiêng Mường (Quảng Lâm, Bảo Lâm, Cao Bằng) – xóm Nà Húc (Yên Phong, Bắc Mê, Hà Giang); Đường GTNT liên xã, huyện tuyến xóm Bản Búng (Yên Thổ, Bảo Lâm, Cao Bằng) – xã Công Bằng (Pác Nặm, Bắc Kạn) hoặc đường tuyến xóm Bản Cao – Nà Mon (Nam Cao, Bảo Lâm, Cao Bằng) - xã Ngọc Long (Yên Minh, Hà Giang); một số dự án tổng mức đầu tư chênh lệch lớn so với nguồn vốn giao; tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng; Các công trình NTM triển khai chậm; Tiến độ giải ngân các nguồn vốn sự nghiệp đạt rất thấp…
Huyện Bảo Lâm kiến nghị: Trung ương xem xét tăng định mức hỗ trợ Tiểu dự án 1 - Dự án 9 đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn lên 40 triệu đồng/hộ cho cả giai đoạn 2021 - 2025; ban hành văn bản hướng dẫn hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn đối với hộ dân tộc còn nhiều khó khăn thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi. UBND tỉnh có hướng dẫn cụ thể về thủ tục, hồ sơ thực hiện nội dung Dự án 2, tiểu dự án 1 - Dự án 3, tiểu dự án 1 - Dự án 4, tiểu dự án 3 - Dự án 4, tiểu dự án 1 - Dự án 7; bố trí bổ sung kinh phí ngoài nguồn vốn đầu tư công hằng năm và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư hạ tầng cơ sở các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Thạch đề nghị huyện Bảo Lâm tăng cường quản lý đầu tư công, xây dựng kế hoạch thực hiện giải ngân cụ thể cho từng dự án; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý các dự án chậm tiến độ, kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo thực hiện giải ngân theo kế hoạch. Nâng cao các công tác từ khâu chuẩn bị dự án đầu tư, lựa chọn các nhà thầu tư vấn, thi công có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực; khắc phục tình trạng điều chỉnh dự án khi đang triển khai. Tập trung ưu tiên các công trình có vốn chuyển nguồn, kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề lập kế hoạch phân bổ vốn, giao vốn và giải ngân vốn; có phương án cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thi công các dự án, công trình trọng điểm phải hoàn thành trong năm 2023, tránh để xảy ra tình trạng mất vốn. HĐND sẽ tiếp tục tăng cường việc giám sát triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn; giám sát việc giải ngân các nguồn vốn và thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn huyện.