Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tổng số nguồn vốn của toàn tỉnh 1.408,192 tỷ đồng. Trong đó: năm 2021, ngân sách Trung ương phân bổ 13,711 tỷ đồng (vốn sự nghiệp); năm 2022, ngân sách Trung ương 596,966 tỷ đồng (vốn đầu tư 495,706 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 101,260 tỷ đồng); năm 2023, ngân sách Trung ương 797,515 tỷ đồng (vốn đầu tư 441,554 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 355,961 tỷ đồng). Kết quả giải ngân vốn giai đoạn 2021 – 2023 được 571,216/1.408,192 tỷ đồng, bằng 41% tổng số vốn giao; trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn kéo dài năm 2021 sang năm 2022 đạt cao = 99,26% kế hoạch (13,609/13,711 tỷ đồng). Năm 2021, toàn tỉnh đã giảm 5.043 hộ nghèo, tỷ lệ giảm 4,03%, đạt 101% Kế hoạch. Năm 2022, thực hiện chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4,29%, đạt 107,25% Kế hoạch. Đến tháng 6/2023, dự kiến giảm tỷ lệ hộ nghèo 4% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 64/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 ban hành chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 của HĐND tỉnh bằng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo: Năm 2023, vốn giao 111,002 tỷ đồng; kinh phi giải ngân 99,360 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ được 2.694 hộ (tong đó, 1.825 nhà làm mới và 869 nhà sửa chữa).
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành Trung ương chỉ đạo, bố trí nguồn vốn hỗ trợ thực hiện dứt điểm việc thí điểm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Bộ Xây dựng nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các trường hợp được hỗ trợ từ các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở từ lâu (theo chương trình 134, 167) nhưng hiện nay đã hư hỏng, xuống cấp cần được hỗ trợ; các hộ xây dựng xong và được nghiệm thu nhà ở trong năm nhưng đến khi cấp kinh phí triển khai thực hiện vào năm tiếp theo của giai đoạn 2021 - 2025 đã thoát nghèo. Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét tham mưu UBND tỉnh sửa đổi điều 14 quy định tại Nghị quyết số 54/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 của HĐND tỉnh (bãi bỏ khoản 2 không quy định tỷ lệ dự án thực hiện theo cơ chế đặc thù đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 62/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 để phù hợp với quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Thạch đề nghị: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thường trực, tham mưu giúp UBND tỉnh chủ trì, quản lý việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt các nhiệm vụ, đảm bảo giữ vững tỷ lệ giảm nghèo. Nỗ lực, quan tâm thực hiện tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn; tham mưu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 64/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 của HĐND tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, thông tin tuyên truyền các địa phương nâng cao trách nhiệm, nỗ lực giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc nhằm giải ngân các nguồn vốn đầu tư có hiệu quả, đảm bảo đúng quy định pháp luật (về đối tượng; thời gian; trình tự thủ tục thực hiện). Nghiên cứu tham mưu cho tỉnh có phương án đào tạo việc làm có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của thực tiễn. Các sở, ngành tiếp tục phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nâng cao trách nhiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; triển khai thực hiện đạt kết quả các nội dung thuộc Chương trình, đảm bảo hấp thụ được hết các nguồn vốn được giao./.