Tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, qua gần 3 năm triển khai, thực hiện các chương trình MTQG tại tỉnh Cao Bằng bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, hạ tầng cơ sở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được hoàn thiện; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai đồng bộ. So với kết quả rà soát đầu kỳ, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm 4,29%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,5%, vượt mục tiêu đề ra. Chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao; điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa được cải thiện. Tuy nhiên, đến nay tổng số vốn đã giải ngân để thực hiện 03 Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.510 tỷ đồng bằng 37% kế hoạch, trong đó: Vốn đấu tư đã giải ngân được 1.226 tỷ đồng bằng 50% kế hoạch; vốn sự nghiệp đã giải ngân được 284,5 tỷ đồng bằng 17% kế hoạch, trong quá trình thực hiện các dự án cũng gặp một số khó khăn, hạn chế còn tồn tại.
Theo báo cáo, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh Kế hoạch đầu tư công tỉnh Cao Bằng trên cơ sở các nguyên tắc, quy định tại các Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ quốc hội, Quyết định của thủ tướng chính phủ cũng như các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Kết quả giải ngân của năm 2021 đạt ở mức cao (93,2%), cao nhất tính từ năm 2016 (Năm 2016: 86,8%, Năm 2017: 74,2%, năm 2018: 63,7%, năm 2019: 70,8%, năm 2020: 90,1%); số công trình đưa vào sử dụng nhiều (năm 2021 là 97 công trình, năm 2022 là 75 công trình), dự kiến đến hết năm 2023 là 95 công trình, lũy kế là 267/378 công trình chiếm tỷ lệ 71%. Các công trình khi đưa vào sử dụng cơ bản theo đúng thời gian được phê duyệt phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, giải trình, làm rõ về tỷ lệ giải ngân số vốn chuyển nguồn từ năm 2022 sang năm 2023 còn thấp đạt 46.165 tỷ đồng bằng 7,4% tổng số vốn. Một số công trình lớn, mang tính chất lan tỏa, ảnh hướng lớn đến kinh tế xã hội tỉnh phần lớn tuy nhiên chậm tiến độ như: Dự án đường tỉnh 208 từ thị trấn Đông Khê huyện Thạch An– xã Cách Linh, Triệu Ẩu huyện Quảng Hòa – xã An Lạc, thị trấn Thanh Nhật, Đức Quang huyện Hạ Lang – xã Chí Viễn huyện Trùng Khánh; Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông Chu Trinh thành phố Cao Bằng – Hồng Nam huyện Hòa An; một số điểm mỏ khai thác đá vướng kế hoạch sử dụng đất và vướng rừng tại các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình dẫn đến tình trạng khan hiếm vật kiệu xây dựng ảnh hưởng thi công dự án và làm rõ một số nội dung về quy hoạch cây dược liệu, đào tạo lao động nghề nghiệp; dự án định canh định cư; việc lồng ghép các nguồn vốn, sự phối hợp giữa các ngành…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Thạch đề nghị: UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn, nhất là 4 cơ quan chủ trì, tham mưu cho tỉnh quản lý, triển khai thực hiện ba Chương trình MTQG, khẩn trương nghiên cứu kỹ các văn bản mới ban hành, rà soát và tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết có nội dung không còn phù hợp để kịp thời điều chỉnh đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; cân đối, bố trí đủ nguồn vốn đối ứng của tỉnh thực hiện các Chương trình MTQG. Chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân; có các biện pháp để các chủ đầu tư có thể lựa chọn các nhà thầu tư vấn chất lượng hơn và nâng cao công tác chuẩn bị đầu tư trong các dự án. Các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường, chủ động phối hợp chuẩn bị kỹ các bước chuẩn bị đầu tư để đảm bảo tiến độ thực hiện các công trình, dự án./.