Hiện nay, toàn tỉnh có 122 báo cáo viên cấp tỉnh, 255 báo cáo viên cấp huyện và 2.286 tuyên truyền viên cấp xã thực hiện nhiệm vụ PBGDPL tại cơ quan, đơn vị, địa phương; 148/161 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chiếm 91,9%; duy trì hoạt động 130 tủ sách pháp luật tại các xã đặc biệt khó khăn. Sở thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, ban hành các kế hoạch kiểm tra và tổ chức kiểm tra thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), trung bình kiểm tra từ 3 - 4 đơn vị cấp huyện/năm. Tổ chức tuyên truyền Ngày Pháp luật 9.070 cuộc/1.711.651 lượt người tham dự; đăng tải hơn 9.000 tin, bài pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật, thu hút 40.741 lượt người với 63.972 lượt đăng ký tham gia dự thi…
Toàn tỉnh có 1.462 tổ hòa giải/7.992 hòa giải viên là những người có uy tín, hiểu biết về pháp luật, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân. Từ khi thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 đến tháng 6/2023, các tổ hòa giải tiếp nhận, hòa giải 9.103 vụ việc, hòa giải thành 5.820 vụ việc (chiếm 64%). Giai đoạn 2018 - 2022, Sở Tư pháp bố trí và giải ngân kinh phí theo các nội dung chi của Nghị quyết số 33 với số tiền 527 triệu 268 nghìn đồng; đối với Nghị quyết số 34, Sở không có nội dung và mức chi theo nghị quyết. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, hằng năm, UBND tỉnh giao kinh phí khoảng 300 triệu đồng cho Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ.
Tại buổi giám sát Sở Tư pháp kiến nghị: Đề nghị HĐNDtỉnh kiến nghị với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 14 và Thông tư liên tịch số 100 hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân, công tác hòa giải ở cơ sở. HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở theo phân cấp quản lý nhà nước. Quan tâm và phân bổ kinh phí cho Sở Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL. Sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các nghị quyết sau khi thông tư sửa đổi, bổ sung được ban hành. Quan tâm bố trí, phân bổ kinh phí cho công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trong dự toán ngân sách Nhà nước được giao hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước...
Kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của Sở Tư pháp trong thực hiện Nghị quyết 33 và Nghị quyết 34 về mức chi công tác phổ biến giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật, hoà giải ở cơ sở. Đề nghị Sở quan tâm và có những giải pháp cụ thể, linh hoạt để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và hoà giải cơ sở; đẩy mạnh, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức để đạt hiệu quả hơn; làm tốt công tác phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền; nâng cao nhận thức cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác hoà giải cơ sở; thường xuyên đào tạo tập huấn kỹ năng cho hoà giải viên; tăng cường kiểm tra hướng dẫn và tăng kinh phí cho hoà giải viên ở cơ sở; quan tâm bố trí kinh phí hoạt động theo quy định để đạt hiệu quả.
Tác giả: Nguyễn Văn Khánh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn