Bài 1: Nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS từ các quyết sách đúng đắn
Thực hiện đồng bộ nhiều chính sách
Thời gian qua, trên cơ sở chủ trương, đường lối đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có những chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho đồng bào DTTS. Trong đó, hệ thống chính sách phát triển giáo dục đối với vùng DTTS và miền núi đã được ban hành khá đầy đủ cho các nhóm đối tượng học sinh và giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện tốt các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số, học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách riêng, cụ thể: Nghị quyết số 46/2010/NQ-HĐND ngày 9/12/210 Về việc phê chuẩn kế hoạch thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non Cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2010-2015; Nghị quyết số 91/2016/NQ –HĐND ngày 8/12/2016 về việc quy định khoảng cách và địa bàn xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày; quy định tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Nghị quyết 85/2021/NQ-HĐND quy định về nội dung, mức chi tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 9/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 Quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài; Đề án số 09-ĐA/TU về công tác cán bộ Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô và các dân tộc thiểu số ít người khác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025; Kế hoạch số 2179/KH-UBND tỉnh ngày 16/7/2018 Triển khai thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ...
Với nhiều chính sách được triển khai đồng bộ, chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS đến hết năm học 2020-2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Quy mô trường lớp được đầu tư, nâng cấp mở rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy. Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 12 trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) cấp huyện (chỉ có cấp trung học cơ sở) với tổng số 2.769 học sinh chia thành 24 lớp 6 (694 học sinh), 24 lớp 7 (693 học sinh), 24 lớp 8 (697 học sinh) và 24 lớp 9 (685 học sinh); 1 trường PTDTNT cấp tỉnh (chỉ có cấp trung học phổ thông) với tổng số 396 học sinh chia thành 4 lớp 10 (130 học sinh), 4 lớp 11 (130 học sinh) và 4 lớp 12 (136 học sinh).
Công tác tuyển sinh tại các trường PTDTNT được thực hiện công khai, đúng quy định, trong đó, học sinh lớp 10 trường PTDTNT cấp tỉnh tuyển sinh theo hình thức thi tuyển và tuyển thẳng đối với học sinh các dân tộc ít người; học sinh lớp 6 trường PTDTNT cấp huyện tuyển sinh theo hình thức xét tuyển và tuyển thẳng đối với học sinh các dân tộc ít người. Từ năm 2018-2021, Trường PTDTNT tỉnh tuyển sinh 1.287 chỉ tiêu, các trường PTDTNT cấp huyện tuyển sinh 2.088 chỉ tiêu.
Các chế độ, chính sách đối với học sinh được các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm, đúng quy định, trong đó, chi trả trên 156 tỷ đồng cho 9.550 học sinh theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính; chi trả chế độ, chính sách trên 3,4 tỷ đồng cho 208 học sinh theo từng tháng đúng quy định, đúng đối tượng thụ hưởng theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên. Đối với giáo dục tiểu học, qua đánh giá các môn học, xếp loại hoàn thành tốt và hoàn thành đạt 99,03%; đánh giá năng lực có 99,32% xếp loại tốt và đạt; đánh giá phẩm chất có 99,74% xếp loại tốt và đạt. Chất lượng giáo dục cấp trung học cơ sở: Kết quả xếp loại lớp 6 (Chương trình giáo dục phổ thông mới): kết quả rèn luyện, tốt 83,80%, khá 14,00%; xếp loại đạt 2,10%, xếp loại chưa đạt 0,10%. Kết quả xếp loại các lớp 7, 8, 9, học lực giỏi đạt 14,01%, khá đạt 43,35%, trung bình đạt 41,46%.
Giáo dục cấp trung học phổ thông: học lực giỏi đạt 15,45%, khá đạt 56,13%, trung bình đạt 27,47%. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 đạt 97,5%, tăng 1,5% so với năm 2021; xếp hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 6,058 tăng 7 bậc so với năm học trước. Ngoài ra, toàn tỉnh đạt 2 giải tư Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia; 1 giải nhì Cuộc thi robot cấp Quốc gia; 6 giải kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia; nhiều giải cấp tỉnh.
10/10 đơn vị huyện, thành phố và 161/161 đơn vị cấp xã triển khai công tác đánh giá, xếp loại "Cộng đồng học tập", trong đó có 43/161 đơn vị cấp xã đạt loại tốt (26,71%), 83 đơn vị cấp xã đạt khá (51,55%), giảm 0,62% so với năm 2020. Toàn tỉnh có 22/25 đơn vị học tập cấp tỉnh đạt loại tốt, 172/177 đơn vị học tập cấp huyện đạt loại tốt.... Trong năm có 75 lượt cơ sở giáo dục được thụ hưởng từ Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn với tổng kinh phí 21 tỷ đồng.
Có thể thấy, với việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong giáo dục và đào tạo cho con em DTTS. Theo đó, mạng lưới, quy mô trường lớp được củng cố, phát triển từ cấp học mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS.
Chính sách đi vào cuộc sống
Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng cho biết: "Nhờ sự quan tâm đúng mức của Đảng và Nhà nước, chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng ngày càng ổn định và nâng cao. Đặc biệt, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú đã từng bước phát triển và khẳng định vị trí quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực là người DTTS, góp phần vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương".
Ghi nhận qua đợt giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh vừa qua cho thấy: Những năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Thạch An được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực trong việc nuôi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo dục ở hệ thống trường dân tộc nội trú miền núi. Thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về công tác giáo dục vùng DTTS và miền núi, đến nay nhiều hạng mục công trình trường, lớp học tại trường đã được đầu tư, nâng cấp với diện mạo khá khang trang. Cùng với đó, học sinh tại trường còn được thụ hưởng và chu cấp chế độ hỗ trợ trực tiếp đối với người học theo tinh thần Thông tư liên tịch 109 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, cũng như đảm bảo tốt về điều kiện ăn ở và sinh hoạt nội trú. “Phải công nhận rằng, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi đã có những tác động rất tích cực và hiệu quả trong việc làm thay đổi diện mạo cơ sở vật chất trường, lớp học tại địa bàn các vùng khó khăn, góp phần đẩy mạnh và giúp nâng cao chất lượng giáo dục cho con em đồng bào miền núi. Đây thực sự là chủ trương đúng đắn và kịp thời, khuyến khích học sinh người DTTS nỗ lực phấn đấu trong học tập, đảm bảo theo yêu cầu chất lượng đào tạo chung” - Thầy giáo Trần Đình Vỹ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Thạch An chia sẻ.
Tương tự, tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Hòa An, hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về công tác giáo dục miền núi đã tạo nên diện mạo mới, với chất lượng đào tạo hàng năm đạt kết quả khá khả quan. Theo cô Lương Minh Thu - Hiệu trưởng Nhà trường, không chỉ đảm bảo điều kiện học tập, nuôi dưỡng, chính sách hỗ trợ còn giúp học sinh miền núi được trang bị đầy đủ từ trang phục, giường chiếu, chăn màn, cho đến chế độ khen thưởng, học bổng khuyến khích học tập. Từ việc hỗ trợ này đã tạo động lực giúp học sinh chú tâm đến việc học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, cũng như giảm dần tình trạng học sinh bỏ học theo từng năm. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thực sự là “liều thuốc quý” tạo nguồn sinh lực nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh miền núi, vùng đồng bào DTTS”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch An - ông Ngô Thế Mạnh chia sẻ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và các chính sách hỗ trợ của Trung ương cho phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi đã góp phần hỗ trợ học sinh vùng cao có cơ hội đến trường học tập, góp phần nâng cao dân trí, cũng như chất lượng đào tạo nguồn cán bộ miền núi. Để các chính sách hỗ trợ tiếp tục phát huy được hiệu quả, ông Sơn mong muốn, bên cạnh duy trì và mở rộng phạm vi đối tượng được thụ hưởng, Trung ương, tỉnh cần kịp thời có những sửa đổi, bổ sung nội dung hỗ trợ chưa phù hợp, tăng tốc trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh miền núi, vùng đồng bào DTTS theo đúng tinh thần, mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Nông Huế
Nguồn tin: bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn