Cùng đi với Đoàn có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, các thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH &HĐND tỉnh.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác. có lãnh đạo Huyện ủy, HĐND -UBND huyện Bảo Lạc và các phòng, ban có liên quan. Đại diện Lãnh đạo Đảng ủy, HĐND -UBND và một số Bí thư, Trưởng các xóm thuộc xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc.
Theo báo cáo, huyện Bảo Lạc có 16 xã, 1 thị trấn, có 5 xã biên giới, xã xa nhất cách trung tâm huyện gần 70 km, đường đi lại khó khăn; tổng số 146 thôn, xóm. Toàn huyện có 7 dân tộc chính, trong đó DTTS 54.219 người, chiếm 98,59%. Đồng bào các DTTS sinh sống tập trung theo cụm dân cư, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng.
Những năm qua, tình hình chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn ổn định, kinh tế tăng trưởng hằng năm từ 10 - 12% trở lên. Huyện thực hiện hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng như: mở mới, nâng cấp các tuyến đường đến trung tâm xã, đường liên thôn, liên xã, kiên cố hóa trường, lớp học, các công trình thủy lợi, điện sinh hoạt đến trung tâm xã và các khu đông dân cư, đầu tư, nâng cấp các trạm y tế xã..., từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc được quan tâm chú trọng và phát huy, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thực hiện quy trình thủ tục xác định xã khu vực III và thôn ĐBKK thuộc vùng đồng bào DTTS&MN theo Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg, ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025, UBND huyện chỉ đạo Phòng Dân tộc phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức rà soát, phân định các xã, thôn, vùng đồng bào DTTS&MN theo trình độ phát triển các tiêu chí đúng quy định. 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thuộc địa bàn rà soát, đáp ứng điều kiện có tỷ lệ dân số hộ DTTS trong tổng số hộ sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên. Theo rà soát phân định, huyện có 15 xã thuộc khu vực III, 1 xã khu vực II, 1 xã khu vực I; 121/146 thôn thuộc diện ĐBKK.
Tuy nhiên, do thời gian rà soát ngắn, việc phân định vùng DTTS&MN theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025 lấy tiêu chí hộ nghèo là tiêu chí cơ bản mà không tính đầy đủ đến các yếu tố đặc thù của địa phương về vị trí địa lý, đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện sống… nên mục tiêu phân định khu vực làm cơ sở cho việc đầu tư các chính sách chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế địa phương.
Huyện kiến nghị: Các bộ, ngành xem xét ngoài tiêu chí hộ nghèo là tiêu chí cơ bản cần tính đến các yếu tố đặc thù của địa phương về vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện sống. Theo các tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN, trên địa bàn huyện có xã Huy Giáp và thị trấn Bảo Lạc là xã thuộc khu vực I, tuy nhiên còn khó khăn, nhiều tiêu chí chưa thật sự bền vững. Việc cắt giảm các chế độ, chính sách an sinh xã hội, vay vốn, hỗ trợ sản xuất, chính sách bảo hiểm y tế ảnh hưởng lớn đến tâm lý đối tượng thụ hưởng. Nhà nước tiếp tục có chính sách đặc thù ưu tiên đầu tư nguồn lực đối với những xã khu vực I miền núi, vùng sâu, vùng xa trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tại buổi làm việc, Trưởng đoàn công tác đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong triển khai thực hiện quy trình, thủ tục xác định xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn tại huyện Bảo Lạc. Đồng thời, khẳng định: Việc phân định vùng đồng bào DTTS&MN thành 3 khu vực theo trình độ phát triển là căn cứ pháp lý quan trọng để xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách. Trên cơ sở phân định các xã, thôn ĐBKK theo quy định, đề nghị huyện Bảo Lạc tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về khu vực đã được xác định, phân định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả của việc phân định để có cơ chế, chính sách áp dụng đúng, phù hợp cho các địa bàn đặc thù. Tăng cường giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào DTTS&MN, từ đó, tạo sự tin tưởng, đồng thuận của người dân khi triển khai thực hiện, bảo đảm đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thụ hưởng tất cả chính sách một cách kịp thời, đúng đối tượng.
Đối với các kiến nghị của huyện, Đoàn công tác sẽ ghi nhận và cập nhật vào báo cáo kết quả giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh trình các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, giải quyết./.