Giám sát thực hiện việc sắp xếp mạng lưới trường, lớp và đội ngũ giáo viên, việc quản lý‎, sử dụng cơ sở vật chất tại Quảng Hòa

Thứ năm - 23/03/2023 21:27
Tiếp tục chương trình giám sát chiều ngày 20/3, Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh do đồng chí Nông Hải Lưu, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội làm trưởng đoàn giám sát thực hiện việc sắp xếp mạng lưới trường, lớp và đội ngũ sắp xếp, việc quản lý‎, sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học sau sắp xếp từ năm 2019 - 2022 tại huyện Quảng Hòa.
Đoàn giám sát tại UBND huyện Quảng Hòa
Đoàn giám sát tại UBND huyện Quảng Hòa

Toàn huyện hiện có 68 cơ sở giáo dục, trong đó có 4 trường THPT, 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, 2 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS, 14 trường THCS, 11 trường TH&THCS, 17 trường tiểu học, 19 trường mầm non và 19 trung tâm học tập cộng đồng cấp xã với tổng số 13.166 học sinh; 149 cán bộ quản lý‎, 1.012 giáo viên, 73 nhân viên. Sau khi rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị sau sắp xếp đã giảm 16 trường và 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Đến nay, toàn huyện có 27 trường đạt chuẩn quốc gia, trên 80% cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ về tài chính.

Sau khi sáp nhập, hầu hết các trường đều tập trung công tác quản lý, bố trí chuyên môn hợp lý, tăng cường các hoạt động trao đổi, dự giờ; chi phí đầu tư và quản lý giảm. Đặc biệt, học sinh đến trường được quan tâm, chăm sóc tốt hơn, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, nhờ đó việc thực hiện công bằng, thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa các địa phương được đảm bảo. Việc sáp nhập nhằm thực hiện tinh giản bộ máy và tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tiếp tục được duy trì, kiểm tra, giám sát thường xuyên, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; các trường học vẫn giữ vững phong trào, ổn định về chất lượng.

Cơ sở vật chất và các điều kiện dạy học trước và sau khi sắp xếp cơ bản giữ nguyên hiện trạng tại các trường, điểm trường đang sử dụng. Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đơn vị kiểm kê và bàn giao cho người đứng đầu đơn vị mới để thống nhất quản lý. Đồng thời, xây dựng kế hoạch xây mới phòng ở nội trú học sinh, phòng ăn, nhà bếp và phòng thí nghiệm, thư viện thiết bị, từng bước xây dựng cơ sở vật chất trường học theo yêu cầu trường đạt chuẩn quốc gia. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách và các quyền lợi khác cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh theo đúng quy định.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất một số trường chưa đáp ứng theo yêu cầu đổi mới giáo dục; công tác quản lý của lãnh đạo đơn vị chưa được bao quát giữa hai cấp học (TH, THCS); một số trường TH&THCS còn chung sân, chưa có phòng làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nên ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ; điều kiện sinh hoạt của giáo viên, đặc biệt giáo viên dạy ở các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện nhiệm vụ của giáo viên.

Giai đoạn 2020 - 2025, Phòng Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện chuyển đổi các trường phổ thông thành trường phổ thông dân tộc bán trú; tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, dự kiến sẽ chuyển đổi 4 trường thành trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học; 1 trường TH&THCS thành trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS; sáp nhập, thành lập 2 trường mầm non và sáp nhập 2 trường mầm non; 1 trường 1 tiểu học, 1 trường TH&THCS.

Huyện kiến nghị, tỉnh bố trí ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường theo Thông tư số 13/TT-BGD&ĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non, TH, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học đảm bảo lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia và lộ trình sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và việc chuyển đổi từ trường phổ thông sang trường phổ thông dân tộc bán trú.

Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nông Hải Lưu đề nghị huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục đảm bảo đúng quy định, đúng hướng dẫn của cấp trên, phù hợp với khả năng thực tế của địa phương. Quan tâm sắp xếp, giảm đầu mối số lượng trường, lớp; có giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học; chỉ đạo phòng, ban chuyên môn rà soát thực trạng cơ sở vật chất, khẩn trương giao các cơ sở giáo dục dôi dư để quản l‎ý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng hư hỏng, thừa, thiếu, lãng phí nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

 

Tác giả: Tuyết Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Hôm nay4,874
  • Tháng hiện tại141,392
  • Tổng lượt truy cập9,012,608
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây