Quan tâm đẩy mạnh công tác giáo dục dân tộc thiểu số: Góc nhìn từ chính sách (bài 2)

Chủ nhật - 09/04/2023 04:54
Những năm qua, tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh nói riêng. Nhiều chính sách đối với học sinh DTTS luôn được ưu tiên triển khai trên địa bàn tỉnh, thông qua đó, con em đồng bào DTTS được học tập xuyên suốt qua các bậc học và theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề, góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đoàn giám sát thực tế khu ký túc xá cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Hòa An
Đoàn giám sát thực tế khu ký túc xá cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Hòa An

Bài 2: Cần điều chỉnh chính sách

Mô hình giáo dục của các trường PTDTNT đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới và hải đảo. Tuy nhiên hiện nay, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách phát triển hệ thống trường PTDTNT đã thay đổi theo Luật Giáo dục 2019. Do đó, các văn bản, chính sách cần được điều chỉnh, hoàn thiện cho phù hợp.

Kiến nghị từ cơ sở - Chính sách còn nhiều bất cập

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Sáu, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT Hòa An cho biết: Hiện nay, một số quy định trang cấp đồ dùng cho học sinh hiện đang được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 109 đến nay đã không còn phù hợp, cụ thể: Mức học bổng đối với học sinh bằng 80% mức lương cơ sở hiện hành là thấp so với nhu cầu học sinh hiện nay; việc trang cấp bằng hiện vật một lần một số đồ dùng cá nhân như nilon đi mưa, áo bông như hiện nay không còn phù hợp. Đối với chăn bông cá nhân, màn cá nhân, chiếu cá nhân, quần áo dài tay (đồng phục) một số trường đề nghị được cấp 2 lần trong cả cấp học vì qua các năm sử dụng, các vật dụng trên sẽ bị hỏng, sờn rách.

Bên cạnh đó, học sinh cấp trung học cơ sở phát triển thể chất nhanh nên quần áo dài tay chỉ được cấp 1 lần trong 4 năm học là không phù hợp; chính sách mua bổ sung sách giáo khoa hằng năm bằng 10% số đầu sách còn quá cứng nhắc (vì chỉ được phép mua sách giáo khoa mà không được mua sách tham khảo, sách nâng cao…). Trong khi giáo dục hiện nay đổi mới toàn diện từ chương trình đến phương pháp dạy học và hình thức tổ chức dạy học, hơn nữa nhu cầu tìm tòi của giáo viên và học sinh đều tăng lên.

Thông qua đợt giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh ghi nhận thêm nhiều ý kiến từ các Trường PTDTNT như: Chính sách đối với nhân viên nấu ăn trong trường PTDTNT được ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp đã được chuyển sang ký hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/11/2018 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 2978/UBND-NC ngày 30/11/2020 về việc hướng dẫn ký hợp đồng lao động đối với người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP theo đó tại mục III.1 có quy định “Đối với đơn vị sự nghiệp công lập: cân đối từ nguồn tài chính ngoài quỹ lương hàng năm của đơn vị sự nghiệp công lập”. Qua thực tế cho thấy việc quy định như vậy là rất khó khăn cho các trường PTDTNT trong quá trình triển khai thực hiện vì nguồn tài chính ngoài quỹ tiền lương của đơn vị rất eo hẹp, bên cạnh đó các trường PTDTNT hoàn toàn được nhà nước cấp kinh phí để hoạt động và không được thu khoản phí nào của học sinh.

Về tổ chức nuôi dưỡng, hiện nay, học sinh chỉ được hỗ trợ học bổng 1.192.000 đồng/tháng (80% của mức lương cơ bản 1.490.000 đồng),với định mức như vậy là khó bảo đảm chất lượng dinh dưỡng cho học sinh. Bên cạnh đó, việc quy định chung cho học sinh cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông mức học bổng giống nhau là chưa phù hợp, học sinh cấp trung học phổ thông cần được hưởng mức học bổng cao hơn thì mới đáp ứng được yêu cầu về phát triển thể chất. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị: Hầu hết các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng từ lâu đến nay hầu hết đã xuống cấp.

“Nhà trường cũng muốn đổi mới trong công tác tuyển sinh, theo đó sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trường PTDTNT tỉnh tập trung tại 1 Hội đồng coi thi nhằm đảm bảo tính đồng nhất về đối tượng dự thi, đảm bảo tính khách quan, công bằng giữa các đối tượng học sinh của các vùng trên địa bàn toàn tỉnh với mục đích lựa chọn được những học sinh ưu tú nhất, góp phần tạo nguồn cán bộ và nguồn nhân lực chất lượng để tham gia học tập tại trường”. - Cô giáo Lê Lan Phương, Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh đề xuất.

Một số nội dung đề xuất, kiến nghị khác là cần quan tâm đầu tư xây dựng thêm các phòng chức năng như: Phòng nghệ thuật, phòng giáo dục thể chất, phòng sinh hoạt tổ chuyên môn, phòng tư vấn học đường, nhà đa năng tại các trường học ở địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hỗ trợ thêm tiền ăn cho học sinh; quan tâm đầu tư xây dựng thêm các phòng học, phòng ở, nhà ăn cho một số trường. Bổ sung chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với nhân viên công tác ở trường chuyên biệt tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn…

Trước những bất cập trên, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư Liên tịch 109 cho phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể như nâng mức hưởng học bổng cho học sinh từ 80% lên 100% mức lương cơ bản, để bảo đảm mức sống, sinh hoạt tối thiểu cho học sinh hiện nay. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung chi hỗ trợ cho học sinh cho phù hợp với thực tế hiện nay và thực tế của từng cấp học...

Hoàn thiện cơ chế chính sách để phù hợp với thực tiễn

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả ban hành và thực hiện chính sách giáo dục cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, ông Bàn Qúy Sơn, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh khẳng định: "Câu chuyện giáo dục là vấn đề liên ngành, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Thông qua đợt giám sát về công tác tuyển sinh và thực hiện chế độ, chính sách đối với học sinh tại các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2018-2021, Ban sẽ có kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan quan tâm đến các chính sách nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến quy chế hoạt động của hệ thống Trường PTDTNT, điều kiện học tập của học sinh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quan tâm phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi...Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 để đầu tư phát triển hệ thống trường PTDTNT, bán trú..."

Trường PT Dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong thế hệ trẻ của nhà trường. Ảnh: Trang thông tin điện tử Trường PT Dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách đối với học sinh DTTS, trong thời gian tới, tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: (1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của giáo dục dân tộc, nâng cao ý thức tự học của mọi tầng lớp nhân dân; (2) Rà soát các chính sách phát triển giáo dục dân tộc; điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn: Tiếp tục thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách hiện hành về phát triển giáo dục nói chung, các chính sách giáo dục đối với học sinh DTTS ở Cao Bằng nói riêng. Rà soát lại các chính sách hiện hành, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo vùng DTTS giai đoạn mới cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, chú ý đến những chính sách đặc thù cho giáo dục dân tộc Cao Bằng; (3) Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo: Tập trung đầu tư nguồn lực sớm kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp ở tất cả các cấp học đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các địa phương trong vùng cần rà soát lại mạng lưới các cơ sở giáo dục. (4) Xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo: Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhà giáo phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Nâng dần đội ngũ, cán bộ, giáo viên là người DTTS ở các cấp quản lý giáo dục và trong các cơ sở giáo dục; làm tốt công tác cử tuyển; gắn đào tạo với sử dụng, đảm bảo đúng số lượng, cơ cấu, ngành nghề, trình độ, chức danh theo địa chỉ, đảm bảo yêu cầu công tác, xây dựng đội ngũ giáo viên là người DTTS đạt chuẩn. Thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho giáo viên và cán bộ quản lý, đặc biệt phải ưu tiên tối đa cho các nhà giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. (5) Đổi mới chương trình giáo dục các cấp học và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo:Tập trung nghiên cứu cải tiến phương pháp, nội dung, chương trình học và các bộ sách giáo khoa phù hợp với học sinh DTTS. Cả chương trình học cũng như nội dung kiến thức trong sách giáo khoa cần được điều chỉnh theo hướng phù hợp với khả năng của học sinh DTTS, nhất là cấp tiểu học, tạo điều kiện cho các em được tiếp cận ngay với tiếng Việt từ cấp học mầm non và tiểu học nhằm nâng khả năng tiếp thu của các em, góp phần giải quyết tình trạng học sinh bỏ học và không nắm được kiến thức cơ bản. Từng bước đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, tăng cường các hoạt động xã hội, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh DTTS. (6) Tiếp tục xây dựng các chính sách nhằm nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt cho đồng bào DTTS.

Có thể thấy, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh đối với công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số đã và đang tạo điều kiện thuận lợi nhưng cũng đặt ra yêu cầu rất cao đối với ngành giáo dục và đào tạo tỉnh trong thời gian tới. Song, với những kết quả đã đạt được cùng với sự tâm huyết, nhiệt tình của đội ngũ các thầy, cô giáo; với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, tin tưởng rằng chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng được nâng cao, góp phần xứng đáng vào việc đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ tích cực sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Nông Huế

Nguồn tin: bienphong.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay5,582
  • Tháng hiện tại142,100
  • Tổng lượt truy cập9,013,316
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây