Năm 2021, huyện Thạch An tổng sản lượng lương thực cây có hạt 16.278 tấn, giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên một đơn vị diện tích đạt 61,74 triệu đồng/ha, thu ngân sách trên địa bàn 28 tỷ 768 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,29%. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện tốt, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn huyện đạt 12,1 tiêu chí/xã. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. 2 tháng đầu năm 2022, toàn huyện thu ngân sách đạt 1 tỷ 412 triệu đồng; hỗ trợ xóa nhà dột nát được 446 hộ, trong đó xây mới 66 nhà, sửa chữa 8 nhà, đang thi công 197 nhà. Các hoạt động văn hóa - xã hội được duy trì và nâng cao. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được quan tâm chỉ đạo. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, giữ vững.
Huyện kiến nghị: Tỉnh quan tâm tạo cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến hoặc liên kết bao tiêu sản phẩm cây hồi, thạch đen để người dân yên tâm sản xuất. Kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục địa chất khoáng sản xem xét cho khai thác 2 điểm mỏ vàng Khau Sliểm, xã Minh Khai và Phiêng Đẩy, xã Quang Trọng theo quy định của pháp luật nhằm tăng thu ngân sách, tránh tình trạng khai thác trái phép; quy hoạch điều chỉnh cục bộ thị trấn Đông Khê; quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch nông thôn mới; ưu tiên quan tâm một số dự án đường nội thị thị trấn Đông Khê; xem xét, bổ sung thêm vốn trong năm 2022 khoảng trên 20 tỷ đồng để đủ kinh phí thực hiện dứt điểm công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022 của huyện Thạch An. Đề nghị huyện tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo sản xuất nông lâm nghiệp; thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; triển khai, thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã trong việc tiếp cận vốn; tập trung, huy động và ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch và cửa khẩu; khẩn trương thực hiện công tác quy hoạch; kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư; tạo quỹ đất đô thị cho thị trấn; tập trung giải phóng mặt bằng; xây dựng bố trí bến bãi kho hàng xuất nhập khẩu. Hoàn thiện các hạng mục đầu tư, đưa vào quản lý, khai thác có hiệu quả các chương trình phát triển các lĩnh vực mũi nhọn của huyện là nông nghiệp, hạ tầng du lịch, dịch vụ, kinh tế cửa khẩu của huyện; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, xử lý nghiêm, dứt điểm các hoạt động khai thác khoảng sản, lâm sản trái phép; đẩy mạnh xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn huyện.