Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV đã tổ chức thành công 3 Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách qua đó tiếp thu nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các ĐBQH nhằm góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật, nghị quyết từ đó Quốc hội thông qua với tỉ lệ đồng thuận cao. Nhấn mạnh đây là Hội nghị ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về số lượng các dự án luật nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Hội nghị nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 6, sẽ thảo luận, cho ý kiến về một số dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 6, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Đây là các dự án luật này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 7 và tháng 8-2023.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, rà soát lại toàn bộ các quy trình về nội dung, cách thức không được để cho những quy phạm pháp luật có sơ hở có thể tạo ra tham nhũng, tiêu cực, gây ra thất thoát hoặc ách tắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là bảo đảm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng về chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng pháp luật ngay trong Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và đất nước, tham gia đầy đủ các phiên họp tranh thủ tối đa thời gian để nghiên cứu, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo luật.
Tham gia phát biểu tại Hội nghị đối với dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đồng chí Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo. Phát biểu về bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Điều 14. Đại biểu nhất trí với chủ trương về bố trí lực lượng tại dự thảo luật lần này. Cụ thể, khoản 2 Điều 14 quy định căn cứ tình hình yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định số lượng tổ bảo vệ an ninh trật tự cần thành lập, số lượng từng chức danh, tổ chức bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý của từng đơn vị hành chính cấp xã hoặc huyện nơi có tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Địa bàn phụ trách của tổ bảo vệ an ninh, trật tự có thể một hoặc một số thôn, tổ dân phố quy định tại khoản 1 Điều 14, nghĩa là việc thành lập Tổ Bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở do địa phương quyết định căn cứ vào tình hình an ninh trật tự cũng như điều kiện về nguồn lực của địa phương, không nhất thiết các thôn, tổ dân phố đều thành lập, tổ bảo vệ an ninh, trật tự có thể phụ trách địa bàn trên nhiều thôn, tổ dân phố. Đại biểu cho rằng điều này phù hợp với tính chất tự nguyện của lực lượng, đảm bảo đáp ứng theo yêu cầu, tình hình an ninh trật tự ở cơ sở cũng như yêu cầu về hỗ trợ lực lượng công an cấp xã ở từng địa bàn, vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 33 dự thảo luật quy định chậm nhất đến ngày 01/7/2025, các địa phương phải thống nhất về tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của luật này trên cơ sở kiện toàn thống nhất, lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã, ban chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại, xem xét khoản 1 Điều 33 với Điều 14 xem còn mâu thuẫn không.
Thứ hai, về chế độ hỗ trợ thường xuyên hàng tháng đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 23, dự thảo luật giao thẩm quyền cho HĐND tỉnh quy định nhiều chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như tiền hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế... Để đảm bảo nguồn lực địa phương đáp ứng chế độ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, việc giao thẩm quyền cho HĐND tỉnh quy định một số nội dung về chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng này là hợp lý, tuy nhiên đại biểu đề nghị về mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh quy định thì cần dựa trên khung do Chính phủ quy định thống nhất để không có sự chênh lệch quá mức, tạo tâm lý không tốt đối với những người tham gia lực lượng này trong cả nước cũng như tạo ra sự cân đối với mức hỗ trợ cho những người hoạt động không chuyên trách ở xóm, ở xã. Đại biểu cũng đề nghị cần có quy định chính sách hỗ trợ nguồn lực từ trung ương cho các địa phương còn khó khăn, chưa cân đối được nguồn lực khi luật có hiệu lực./.