Khắc phục bất cập, nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Thứ sáu - 29/11/2024 07:14
Chiều 29/11, trong chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, biểu quyết thông qua các nội dung: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tham gia thảo luận, ĐBQH Đoàn Cao Bằng Đoàn Thị Lê An, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh góp ý hoàn thiện các nội dung quan trọng về sự cần thiết ban hành luật, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn.
Đánh giá tác động kỹ hơn, làm rõ tính khả thi của chính sách
Qua thảo luận, ĐBQH Đoàn Thị Lê An cho rằng, nhằm quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật của Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, để khẩn trương tháo gỡ, sửa đổi các vướng mắc về quy định pháp lý gây cản trở hoạt động, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật này. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng dự án Luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm cụ thể hóa được đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp có vốn nhà nước; nghiên cứu kế thừa, phát huy được các nội dung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014) còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp có vốn Nhà nước và cũng chưa xử lý được các vấn đề vướng mắc tại Luật hiện hành, xử lý các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề phát sinh liên quan đến đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Về áp dụng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, điều ước quốc tế, đại biểu cho rằng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định các quy phạm pháp luật có hiệu lực bắt buộc chung đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước, trừ trường hợp có quy định loại trừ,do đó, quy định tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật là không cần thiết, đại biểu đề nghị cân nhắc bỏ quy định này. Đối với quy định tại khoản 2 Điều 3 là trường hợp lựa chọn luật áp dụng mà không phải là quy định áp dụng Luật, đại biểu cũng đề nghị đưa nội dung tại khoản 2 này xuống quy định tại Điều 32 của dự thảo Luật về chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư.
Bổ sung trình tự, thủ tục hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp
Theo đại biểu Đoàn Thị Lê An, dự thảo Luật quy định về hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, trong đó bao gồm việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách giữa doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư với doanh nghiệp không có vốn nhà nước đầu tư. Tuy nhiên, khoản 6 Điều 37 mới quy định về trình tự, thủ tục chia, tách doanh nghiệp mà chưa có quy định về trình tự, thủ tục hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung để bảo đảm bao quát, đầy đủ.
Về cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn (Điều 40), đại biểu cho rằng Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước”. Tuy nhiên, tại Điều này quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn bao gồm: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ căn cứ và yêu cầu thực tiễn của quy định một số Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn để Quốc hội xem xét, quyết định.
Kết thúc phát biểu, đại biểu Đoàn Thị Lê An nhận thấy, tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật không bao gồm nội dung “sử dụng vốn” đang được quy định tại Luật hiện hành. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các luật có liên quan dẫn chiếu đến quy định về quản lý, sử dụng vốn tại Luật hiện hành, ví dụ Luật Đầu tư... để tránh khoảng trống pháp lý trong quá trình thi hành Luật.