Theo báo cáo của Sở NN&MT, sau khi Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực thi hành, Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, Thành phố, các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chất thải rắn thông thường là phụ phẩm, phế phẩm từ hoạt động sản xuất nông nghiệp phần lớn được người dân tự thu gom, tận dụng để làm thức ăn cho gia súc, làm chất đốt, làm phân bón.... Vỏ bao bì phân bón sau sử dụng được người dân làm sạch, tái sử dụng để đựng sản phẩm khi thu hoạch từ nông nghiệp; vỏ bao gói, chai lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng, người dân thu gom, tập kết vào các bể chứa; định kỳ, chính quyền địa phương sẽ hợp đồng đơn vị đủ năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định. Trong chăn nuôi, cơ bản các trang trại, hộ chăn nuôi đều xây dựng, lắp đặt và sử dụng các công trình xử lý cho từng loại chất thải tùy theo mức độ, quy mô trang trại.
Hằng năm, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phát sinh trung bình từ năm 2022 - 2024 là 128.617,67 tấn/năm. Hiện nay, phần lớn chất thải rắn sinh hoạt thông thường đã có phân loại tại nguồn, nhất là chất thải hữu cơ, một phần tận dung làm thức ăn gia súc, gia cầm, ủ vi sinh làm phân bón; phần còn lại, người dân tự đốt hoặc chôn lấp trong khu vực hộ gia đình.
Nước thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa được thu gom, xử lý tập trung; các hộ gia đình tự xử lý bằng các bể tự hoại, sau đó chảy ra nguồn tiếp nhận hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Chất lượng môi trường vùng nông thôn nhìn chung khá tốt, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm. Môi trường đất tại tỉnh chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các kim loại nặng…
Tuy nhiên, trong thực hiện chính sách, Luật BVMT năm 2020 trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: việc đốt tập trung một khối lượng lớn rơm rạ gây hiện tượng khói mù, ô nhiễm môi trường không khí cho các vùng lân cận vào một số thời điểm trong năm. Tại các địa phương chưa đầu tư, lắp đặt bể chứa thì có xảy ra tình trạng người dân vứt bừa bãi bao gói thuốc BVTV sau sử dụng ra bờ ruộng, góc vườn, sông, suối, kênh mương… gây ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí và ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực. Việc xử lý chất thải trong chăn nuôi quy mô hộ gia đình chưa triệt để. Công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn vẫn còn nhiều bất cập. Việc đầu tư xây dựng các bãi rác đồng bộ với quy trình phân loại và xây dựng lò đốt để xử lý rác thải đô thị chưa được quan tâm đúng mức; Đề án phân loại, xử lý tái chế chất thải tập trung và phân tán trên địa bàn tỉnh chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả…
Sở NN&MT kiến nghị: Bộ NN&MT cần xây dựng và ban hành các quy định, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể để triển khai hiệu quả các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt từ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, phương pháp thu gom và xử lý, đến giá dịch vụ xử lý. Xây dựng và ban hành quy định, hướng dẫn về thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái chế sử dụng mục đích khác. Ban hành hướng dẫn mô hình, công nghệ xử lý chất thải nông nghiệp để nâng cao hiệu quả xử lý chất thải, tăng cường tối đa tái sử dụng, tái chế chất thải.
Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục bố trí kinh phí cho địa phương để thực hiện việc xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp: Xây dựng bể chứa, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, kinh phí tiêu hủy thuốc BVTV không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử lý thải chăn nuôi, nước thải làng nghề; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt nông thôn đảm bảo an toàn, sạch, đẹp. Chỉ đạo các cấp, các ngành nghiêm túc triển khai hiệu quả Đề án phân loại, xử lý, tái chế chất thải tập trung và phân tán trên địa bàn tỉnh; bố trí nguồn vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng các bãi rác và công nghệ xử lý rác đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế và xu hướng hiện đại hóa…
Tại buổi giám sát, các đại biểu trao đổi, thảo luận làm rõ việc sử dụng Quỹ BVMT, các dự án xử lý rác thải tại các địa phương, đơn vị; việc xử lý chất thải rắn ở các địa phương nhất là khu vực nông thôn; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật BVMT. Từ đó, đưa ra những kiến nghị, giải pháp, nhằm thực hiện tốt Luật BVMT trong thời gian tới.
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bế Minh Đức đánh giá cao các đơn vị đã nỗ lực, cố gắng trong việc BVMT, thực hiện nghiêm túc pháp luật về môi trường. Đề nghị sớm hoàn thiện, bổ sung nội dung báo cáo những nội dung các đại biểu quan tâm, các nội dung kiến nghị điều chỉnh văn bản với cấp có thẩm quyền liên quan đến lĩnh vực BVMT để có căn cứ pháp lý, tổng hợp và gửi cấp có thẩm quyền giải quyết trước ngày 26/3. Sớm tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng lại các quy định thực hiện công tác vệ sinh môi trường; tham mưu cho UBND tỉnh có phương án bố trí, sửa chữa các lò đốt rác thải y tế tại các huyện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hành vi, vi phạm BVMT. Đề xuất sớm xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung, quy mô trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu thực hiện thí điểm phương pháp phân loại rác...
Trước đó, đoàn công tác khảo sát thực địa công tác xử lý rác thải, BVMT tại bãi chôn lấp rác thải Nà Lần, xã Chu Trinh (Thành phố).
Tác giả: Khánh Duy (BCB)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn