Tham dự về phía Việt Nam có các đồng chí: Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng; Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn; Nguyễn Mạnh Dũng, quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.
Về phía Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) có đồng chí Lưu Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây. Dự hội nghị còn có Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh.
Tỉnh Cao Bằng tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo một sở, ban, ngành.
Phát biểu tại chương trình, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký vui mừng nhận thấy, các nhận thức chung đã đạt được tại Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân 2023 được các tỉnh/khu hai bên triển khai hiệu quả, như: Giao lưu hữu nghị, hợp tác quản lý biên giới được tăng cường; hợp tác phòng, chống dịch bệnh qua biên giới được triển khai hiệu quả; các bên đẩy mạnh xây dựng kết nối giao thông; hợp tác đào tạo, bồi dưỡng được duy trì; đồng thời tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp...
Đặc biệt, lĩnh vực hợp tác thương mại - đầu tư tiếp tục được hai bên quan tâm thúc đẩy. Từ năm 2016, Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN của Trung Quốc, từ năm 2020 là đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc. Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; kim ngạch thương mại hai nước năm 2023 đạt trên 171 tỷ USD.
Đối với tỉnh Quảng Tây và 4 tỉnh biên giới Việt Nam, các bên tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng thúc đẩy giao thương, tiện lợi hóa thông quan, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam; làm tốt công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, điều tiết phân luồng giao thông, đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt không bị gián đoạn. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên (các tỉnh/khu) năm 2023 đạt trên 9 tỷ 381 triệu USD, đóng góp tích cực vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc...
Phát biểu tại chương trình, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh nhấn mạnh: Những thành tựu, kết quả đạt được trong năm 2023 của 4 tỉnh biên giới Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây nói chung và của tỉnh Cao Bằng và Quảng Tây nói riêng đã làm sâu sắc thêm tình đoàn kết, truyền thống hữu nghị của hai Đảng, hai nước và là minh chứng rõ nét nhất trong việc cụ thể hóa nhận thức chung đạt được tại Chương trình Gặp gỡ đầu xuân năm 2023.
Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục quán triệt thực hiện những nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc, để những thỏa thuận giữa hai tỉnh/khu được thực chất, hiệu quả, đồng chí đề xuất một số nội dung để hai bên cùng thúc đẩy hợp tác. Cụ thể: Chỉ đạo chính quyền các tỉnh/khu phát huy tốt vai trò của các cơ chế hợp tác; thúc đẩy giao lưu giữa các cấp ủy Đảng, quản lý nhà nước; tăng cường trao đổi lẫn nhau về lý luận, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng; tăng cường, đi sâu vào hợp tác trên các lĩnh vực trọng điểm theo nội dung các biên bản đã được thỏa thuận, ký kết.
Đề nghị Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây khẩn trương hoàn thiện thủ tục, phối hợp tổ chức lễ công bố nâng cấp cặp cửa khẩu Tà Lùng - Thủy Khẩu lên cửa khẩu Quốc tế; tổ chức lễ công bố mở chính thức cửa khẩu song phương Lý Vạn - Thạc Long; mở cửa khẩu song phương Pò Peo (Việt Nam) - Nhạc Vu (Trung Quốc), Hạ Lang (Việt Nam) - Khoa Giáp (Trung Quốc); trao đổi, nghiên cứu đề xuất phương án mở chính thức lối mở Nà Lạn (Việt Nam) - Bố Cục (Trung Quốc) và các thủ tục liên quan để trình cấp có thẩm quyền đảm bảo theo quy định hiện hành; phối hợp hoàn thiện thủ tục đưa dự án cầu đường bộ II Tà Lùng - Thủy Khẩu vào vận hành khai thác. Tăng cường hợp tác giao lưu hơn nữa trong các lĩnh vực: nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, giao thông, du lịch, tài chính…
Chỉ đạo chính quyền, cơ quan, đơn vị hai bên phối hợp chặt chẽ cùng vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) an toàn, hiệu quả, xanh và bền vững, tạo nền tảng để vận hành chính thức, khuyến khích du khách hai bên tham quan Khu cảnh quan. Tiếp tục tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc 03 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các thỏa thuận có liên quan; kịp thời phối hợp và xử lý thỏa đáng các vụ việc nảy sinh trên biên giới trên tinh thần hợp tác, hữu nghị; tăng cường hợp tác phòng chống xuất, nhập cảnh trái phép và đấu tranh với các loại tội phạm qua biên giới; cùng xây dựng biên giới luôn hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Tại chương trình, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) và Bí thư 4 tỉnh biên giới Việt Nam đã ký Biên bản Hội nghị giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh: Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Đảng Cộng sản Trung Quốc về xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Lãnh đạo chủ chốt hai bên Việt - Trung chứng kiến lễ ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.
Tác giả: P.V
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn