Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết: Hiện nay, Cao Bằng đang nỗ lực phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực với mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Cao Bằng được thiên nhiên ưu đãi với nhiều nét đẹp hoang sơ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như: hang Pác Bó, suối Lê-nin, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi... đặc biệt, thác Bản Giốc được đánh giá là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á; nằm trong top 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới và vừa được Tạp chí du lịch quốc tế Travel+Leisure xếp vào 21 thác nước đẹp nhất thế giới. Bên cạnh đó, Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận năm 2018, được bình chọn là 1 trong 50 địa điểm có tầm nhìn ngoạn mục, nổi bật nhất trong những kỳ quan và phong cảnh thiên nhiên hấp dẫn trên khắp thế giới. Tháng 9/2024, Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tổ chức tại tỉnh.
Cao Bằng có tài nguyên thiên nhiên phong phú, độ che phủ rừng cao, khí hậu, thổ nhưỡng có những đặc trưng riêng, là điều kiện để phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, gồm các cây trồng chủ lực: trúc sào, hồi, quế, thuốc lá, chè; cây dược liệu quý hiếm hà thủ ô, sâm; cây ăn quả cam, quýt, hạt dẻ, mận, lê... và phát triển lợn đen, bò…
Với đường biên giới dài trên 333 km tiếp giáp Trung Quốc, hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh đã và đang được tiếp tục đầu tư; nhiều hạng mục thiết yếu, các bến, bãi, kho tập kết hàng hóa từng bước được hoàn thiện. Tỉnh tích cực triển khai xây dựng Dự án cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Đồng Đăng (Lạng Sơn), khi tuyến cao tốc hoàn thành, thời gian di chuyển từ Cao Bằng đi Hà Nội sẽ rút ngắn một nửa thời gian. Dự án được kỳ vọng tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng, Việt Nam) đi Trùng Khánh, Urumchi, Khorgos (Trung Quốc) - Kazakhstan sang các nước châu Âu và ngược lại; thúc đẩy xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc).
Từ những lợi thế trên, tỉnh Cao Bằng đề nghị tỉnh Reggio Emilia, đặc biệt là thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế E35 của tỉnh quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ tỉnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng phát triển của tỉnh đến các đối tác phù hợp; kêu gọi, kết nối các nhà đầu tư tiềm năng, chiến lược đến tham quan, nghiên cứu, triển khai các chương trình hợp tác, viện trợ và các dự án đầu tư tại tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ, kết nối các trí thức, các nhà khoa học, doanh nhân; các tổ chức doanh nghiệp người Cao Bằng đang sinh sống định cư ở Ý trở về quê hương để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, làm cầu nối đưa các sản phẩm bản địa, hàng hóa trên địa bàn tỉnh vươn ra thị trường quốc tế…
Đại diện tỉnh Reggio Emilia cho biết hai địa phương có nhiều điểm tương đồng có thể thúc đẩy hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và văn hóa.
Tại buổi làm việc, đoàn được nghe giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các thế mạnh và ưu tiên phát triển của tỉnh Reggio Emilia, tham quan thực tế một số mô hình bảo tồn khu phố di tích lịch sử của thành phố.
Tác giả: Vi Trường
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn