Phát biểu chào mừng và khai mạc hội nghị, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua của tỉnh có phần đóng góp quan trọng của HĐND. Với vị trí là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, HĐND các cấp tỉnh Hòa Bình đã có nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, tăng cường dân chủ, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Hội nghị Thường trực HĐND 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc là dịp để Thường trực HĐND các tỉnh trong khu vực giao lưu, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quý, cách làm hay, sáng tạo từ các tỉnh, góp phần thực hiện tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong hoạt động của cơ quan dân cử địa phương.
Báo cáo đề dẫn của Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tại hội nghị nêu rõ: Qua theo dõi thực tế và từ báo cáo các địa phương cho thấy những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của HĐND các cấp là: Tình trạng gửi tài liệu chậm từ phía các cơ quan soạn thảo đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng kỳ họp, tiến độ và chất lượng thẩm tra của các ban HĐND. Từ đó, tính hình thức ở một số nội dung thông qua tại kỳ họp vẫn còn khá phổ biến. Công tác phối hợp chưa được thực hiện một cách hiệu quả, chặt chẽ, kịp thời. Tình trạng bổ sung nội dung kỳ họp hoặc đưa ra khỏi nội dung chương trình kỳ họp khi kỳ họp đã đến gần vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Việc thảo luận ở tổ, thảo luận ở hội trường cũng chưa thật khoa học, tính sát thực còn hạn chế. Hiệu quả công tác giám sát chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề, hoạt động tái giám sát còn ít; hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND, hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng chưa sâu. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có nơi còn chậm. Đây là những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra ở một số nhiệm kỳ trước nhưng vẫn chậm được khắc phục hoặc chưa có giải pháp mang tính đột phá.
Hội nghị đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến hay nhằm nâng cao chất lượng việc chuẩn bị kỳ họp HĐND tỉnh; chất lượng công tác giám sát, việc giải quyết kiến nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân của Thường trực HĐND tỉnh; chất lượng và hoạt động của đại biểu HĐND. Đồng thời, có nhiều chia sẻ, góp ý, đề xuất những ý kiến cụ thể để bảo đảm sự gắn kết giữa các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp; tăng thẩm quyền cho Thường trực HĐND để giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp và báo cáo HĐND tại Kỳ họp gần nhất để giải quyết kịp thời để yêu cầu từ thực tiễn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị: HĐND các tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo hướng thực chất, toàn diện, đồng bộ, vừa bám sát quy định của pháp luật, vừa bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và yêu cầu thực tiễn, phù hợp với đặc điểm tình hình của mỗi địa phương. Đổi mới việc tổ chức các kỳ họp HĐND ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn. Bố trí đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu để triển khai các hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND một cách toàn diện, hiệu quả. Mỗi vị đại biểu HĐND cần tiếp tục nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động; liên hệ mật thiết với cử tri, Nhân dân; thực hiện tốt vai trò là người đại biểu của dân. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo cầu nối giữa cơ quan dân cử và cử tri; phát huy tối đa hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của HĐND nhằm nâng cao chất lượng công tác, tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động.
Đặc biệt, đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của liên kết vùng; tập trung khai thác thế mạnh của từng địa phương để bổ trợ lẫn nhau cùng phát triển; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư; tiếp tục kiến nghị Trung ương có chính sách phù hợp, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư; khai thác lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng; thực hiện tốt công tác bảo tồn sinh thái, giữ gìn văn hoá, đảm bảo an ninh chính trị, an ninh biên giới, hướng tới sự phát triển bền vững cho cả vùng.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Hội nghị Thường trực 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc đã thành công tốt đẹp, hoàn thành các nội dung chương trình đề ra. Sau hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các tỉnh để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để HĐND các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Kết thúc hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình đã trao cờ luân lưu đăng cai tổ chức hội nghị Thường trực HĐND 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ Hai, nhiệm kỳ 2021 – 2026 cho Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai.