Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nông Thanh Tùng dự Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tại An Giang
Thứ hai - 11/04/2022 03:13
Ngày 06/4, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đã diễn ra Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2021 – 2026 với chủ đề “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân” do Thường trực HĐND tỉnh An Giang phối hợp với Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đăng cai tổ chức. Dự hội nghị, về phía Trung ương và các tỉnh bạn có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị (UVBCT), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN); Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu. Đại diện Thường trực HĐND, các Ban HĐND 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Cà Mau, Cần Thơ, Long An, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang và 6 tỉnh mời tham dự gồm: Cao Bằng, Điện Biên, Đắk Nông, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Bình Phước.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết, những năm qua, An Giang không ngừng đổi mới, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, đưa kinh tế-xã hội phát triển khá toàn diện. Năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội nhưng tỉnh đã triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp đưa kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Đồng thời khẳng định, hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026 với chủ đề “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND” là cơ hội để HĐND tỉnh học tập cách làm hay, kinh nghiệm quý báu của các tỉnh, thành phố trong khu vực để áp dụng vào thực tiễn An Giang, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của HĐND và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu thông tin, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, để ứng phó với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách kịp thời nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm ổn định sản xuất để phục hồi và phát triển kinh tế. Với vai trò là cơ quan có chức năng hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một số văn bản liên quan đến hoạt động của HĐND, đồng thời tăng cường hoạt động giám sát để cùng với HĐND các cấp chủ động thực hiện tốt chức năng, vai trò là cơ quan đại diện cho nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm phòng chống dịch an toàn hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hoạt động giám sát, chất vấn ở một số nơi còn hình thức, chất lượng các câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn chưa phản ánh đúng tính chất của hoạt động chất vấn. Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế...
Thường trực HĐND tỉnh Cao Bằng dự Hội nghị
Hội nghị đã chia sẻ, trao đổi nhiều kinh nghiệm, cách làm hay, mới, sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực. Đó là công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh trong chuẩn bị, tổ chức kỳ họp, ban hành Nghị quyết; việc tổ chức thảo luận nội dung và điều hành kỳ họp; hoạt động chất vấn, giải trình, đối thoại, giám sát thường xuyên và chuyên đề, đặc biệt là chọn trúng vấn đề, đối tượng giám sát và theo dõi, đôn đốc, tái giám sát các cơ quan thực hiện kiến nghị sau giám sát; hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát giải quyết ý kiến cử tri; hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp trong hoạt động giữa Thường trực HĐND và các Ban của HĐND; việc kiện toàn cơ quan tham mưu, giúp việc HĐND cấp tỉnh,... Phát biểu kết thúc hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp đã và đang có nhiều đổi mới rõ rệt, chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND được chú trọng; nhiều tỉnh đã ban hành đề án “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp”; hoạt động của HĐND ngày càng chủ động, thực chất, phát huy trí tuệ của tập thể, sự đóng góp của các chuyên gia; tăng cường sự phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan trên tất cả các mặt công tác...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn những hạn chế cần quan tâm, khắc phục từ cơ chế, chính sách đến việc tổ chức thực hiện như hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức, công tác giám sát hiệu quả chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề còn ít. Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Hoạt động giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có việc còn chậm. Để hoạt động HĐND sâu sắc hơn, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị 5 vấn đề cụ thể: Thứ nhất, về căn cứ tham mưu, tổ chức thực hiện, phải luôn bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết đảng bộ tỉnh, thành phố và pháp luật của Nhà nước. Thứ hai, về nội dung, yêu cầu triển khai, thực hiện, HĐND các cấp chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, nhất là định hướng chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND trong nhiệm kỳ, trên cơ sở đó, ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng nghị quyết và giám sát hằng năm; đề xuất với cấp ủy các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp. Thứ ba, về công tác tuyên truyền, phải rất coi trọng, nhất là các phiên thảo luận tại Hội trường, các phiên chất vấn; tiến tới thực hiện hoạt động phát thanh, truyền hình trực tiếp đối với các phiên giải trình của Thường trực HĐND. Thứ tư, về nguồn lực thực hiện: cần bố trí đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu để triển khai hoạt động có hiệu quả. Mỗi vị đại biểu HĐND không ngừng nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động; gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân. Thứ năm, đối với việc thực hiện phát triển kinh tế-xã hội của đồng bằng sông Cửu Long, như các đồng chí đã biết: giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 31,3% cả nước; đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây: thóc chiếm 55,4% cả nước, tôm chiếm 83,5%, cá tra chiếm 98% và trái cây chiếm 60%. Kết thúc Hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh An Giang đã chuyển giao công tác đăng cai tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang.