Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm việc với các sở, ngành về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Thứ sáu - 27/08/2021 00:08
Sau khi tiến hành giám sát kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn 02 huyện Bảo Lạc và Hạ Lang. Ngày 26/8/2021, Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh do đồng chí Bàn Qúy Sơn- Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Sở Nông nghiệp & PTNT, Ban Dân tộc tỉnh về nội dung này.
Các đại biểu tham dự họp
Các đại biểu tham dự họp
Theo báo cáo của các đơn vị: Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh triển khai 1.509 dự án đa dạng hóa sinh kế, 256 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với 231.177 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo hưởng lợi trực tiếp; hỗ trợ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng và trồng rừng với 17.001 lượt hộ tham gia; hỗ trợ khai hoang phục hóa tạo ruộng bậc thang 455 ha với 181 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện các dự án trên 485,1 tỷ đồng.

Chương trình 30a thực hiện 543 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế với tổng kinh phí 184,6 tỷ đồng; giải ngân 35,6 tỷ đồng hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ rừng, hỗ trợ trên 1,6 tỷ đồng khai hoang phục hóa 455 ha ruộng bậc thang. Chương trình 135 triển khai 928 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế với tổng kinh phí đã giải ngân trên 194,4 tỷ đồng. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho các xã ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135 trên 1,5 tỷ đồng. Giai đoạn 2017 - 2020, từ nguồn vốn Chương trình 30a, Chương trình 135 và các nguồn vốn khác, toàn tỉnh triển khai thực hiện 256 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí trên 44,6 tỷ đồng với 9.393 hộ tham gia.

Từ những chính sách hỗ trợ trực tiếp về giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiêm vắc xin phòng, chống bệnh dịch cho đàn gia súc, gia cầm giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, tham gia làm việc nhóm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần nâng thu nhập cho người dân. Từ đó, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 42,53% đầu năm 2016 xuống còn 22,06% vào cuối năm 2020; bình quân giảm 4,12%/năm, vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

 Tại buổi giám sát, Đoàn giám sát đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, còn thiếu kỹ năng trong cung cấp thông tin đến người dân; một bộ phận người nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa phát huy tính chủ động để vươn lên thoát nghèo, sử dụng vốn kém hiệu quả; Nguồn kinh phí được Trung ương phân bổ cho địa phương chậm, thiếu hướng dẫn cụ thể nên gây khó khăn trong thực hiện. Việc huy động các nguồn lực khác còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; công tác đào tạo, nâng cao nhận thức cho cán bộ triển khai, người dân thụ hưởng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến một số nội dung hỗ trợ hiệu quả chưa cao; khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế; chưa đánh giá cụ thể hiệu quả của từng nội dung hỗ trợ....

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị: Chính phủ sớm ban hành Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 và bố trí vốn năm 2021 để các địa phương triển khai thực hiện; tăng thêm nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn. Các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách để các địa phương triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo kịp thời từ đầu giai đoạn 2012 - 2025. Đề nghị HĐND tỉnh chỉ đạo HĐND các cấp thường xuyên tổ chức giám sát việc thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình.

Kết thúc buổi làm việc, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn ghi nhận sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh được triển khai thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Ban Chỉ đạo chương trình hoạt động hiệu quả; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo được thực hiện đúng nội dung, đúng đối tượng, mức hỗ trợ theo quy định. Đề nghị các đơn vị trong thời gian tới chú trọng công tác tuyên truyền, trao đổi cụ thể để người dân khi được hưởng hỗ trợ phải nắm vững kiến thức thực hành, áp dụng có hiệu quả; nhân rộng các mô hình tiêu biểu; quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát khi triển khai cho các địa phương...

Tác giả: Nông Huế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn


chuyen muc

danchucoso1

QH

CSDLVBPL
 
lichcongtac

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay5,316
  • Tháng hiện tại141,834
  • Tổng lượt truy cập9,013,050
quochuy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Đường Hoàng Văn Thụ, Phường Hợp Giang,Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 0206 3853 507 - Fax: 0206 3856 887  -  Email: vphdhd@caobang.gov.vn
Ghi rõ nguồn https://hdndcaobang.gov.vn/ khi phát hành lại thông tin từ Trang TTĐT Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây