Qua giám sát cho thấy, giai đoạn 2019-2021 huyện Bảo Lâm có 15 công trình, dự án thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tổng diện tích đất thu hồi 103,4ha, với 248 hộ gia đình thuộc diện thu hồi đất, tổng kinh phí thực hiện 11 tỷ 588,299 triệu đồng, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn, triển khai các văn bản, quy định của pháp luật liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện các công trình dự án đầu tư xây dựng, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các công trình, dự án đầu tư được niêm yết công khai về phương án đền bù, chế độ, chính sách từng công trình để người dân biết, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng; các công trình, dự án trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện đúng quy định, quy trình và cơ bản được người dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, giá bồi thường một số loại cây cối, hoa màu, tài sản, vật kiến trúc không còn phù hợp với giá thị trường; một số công trình, dự án thực hiện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn do nhận thức của người dân còn hạn chế; thiếu quỹ đất bố trí tái định cư cho người dân khi bị thu hồi đất; đồng thời tại buổi giám sát huyện đề nghị đoàn giám sát có ý kiến với UBND tỉnh sửa đổi, điều chỉnh bảng giá bồi thường về cây cối, hoa màu theo Quyết định số 19/2015/QĐ-UBND ngày 15/7/2015 của UBND tỉnh và bảng giá bồi thường về nhà ở, các công trình xây dựng theo Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 24/6/2014.
Kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách La Văn Hồng đề nghị huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về các văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ưu tiên bố trí kinh phí GPMB, tái định cư. Thực hiện quyết liệt và đồng bộ trong công tác GPMB cũng như việc tái định cư, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện đúng quy định của Nhà nước, của tỉnh về GPMB về đẩy nhanh tiến độ, kiên quyết xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện công vụ./.