Qua khảo sát thực tế tại cơ sở, nghe ý kiến của hộ gia đình thụ hưởng chính sách, trao đổi thảo luận tại buổi làm việc và nghiên cứu các tài liệu liên quan, trong thời gian qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chỉ đạo của các cấp chính quyền và tham gia phối hợp của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh đã được triển khai thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Ban chỉ đạo các Chương trình hoạt động có hiệu quả. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được thực hiện đúng nội dung, đối tượng, mức hỗ trợ theo quy định.
Theo báo cáo của UBND huyện: Qua 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại huyện Hạ Lang đã hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế với kinh phí trên 44,6 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 30a, Chương trình 135. Trong đó, Chương trình 30a thực hiện 90 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, tổng kinh phí trên 35,4 tỷ đồng với 10.481 hộ tham gia. Chương trình 135 hỗ trợ 57 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí hơn 9,1 tỷ đồng với 2.641 tham gia. Các hộ được hỗ trợ tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, giống cây trồng, giống vật nuôi, thiết bị vật tư, dụng cụ sản xuất, phân bón, hỗ trợ chuồng chăn nuôi…
Hỗ trợ 914 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 thực hiện các mô hình giảm nghèo như: trồng cây cam vinh, chăn nuôi lợn, gà với 171 hộ tham gia. Các mô hình được hỗ trợ đem lại năng suất cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên qua quá trình giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đánh giá việc triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vẫn còn hạn chế như: Lựa chọn một số mô hình hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả. Chưa tiến hành điều tra đánh giá một cách toàn diện hiệu quả các mô hình hỗ trợ. Việc phân bổ nguồn vốn còn bất cập; Một số chính sách hỗ trợ nhỏ lẻ, mức hỗ trợ thấp, một số bộ phận người dân còn trông chờ ỷ lại chưa có ý thức tự vươn lên thoát nghèo dẫn đến việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn hiệu quả chưa cao...
Huyện kiến nghị: UBND tỉnh xem xét phân cấp cho UBND huyện được phê duyệt kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất hằng năm để công tác triển khai thực hiện đảm bảo về thời gian và tiến độ. Đầu tư hỗ trợ đồng bộ cho nhân dân để thoát nghèo; tăng mức hỗ trợ phù hợp để huyện thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo.
Tại các buổi giám sát, ông Bàn Qúy Sơn- Trưởng đoàn giám sát ghi nhận các kết quả đạt được của địa phương trong thời gian qua, đề nghị UBND các huyện cần quán triệt, tổ chức tuyên truyền tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; đề nghị bổ sung một số một số nội dung còn thiếu theo đề cương của đoàn giám sát yêu cầu. Bên cạnh đó, khi hỗ trợ cần thiết thì phải có sự cam kết của người được nhận hỗ trợ, chú trọng công tác kiểm tra hiệu quả sử dụng việc hỗ trợ các chính sách. Trong quá trình xét, lựa chọn đối tượng hỗ trợ cần phải đặc biệt quan tâm hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng; đồng thời phải có định hướng, hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo tính kịp thời vụ, thời điểm triển khai, quan tâm đến đầu ra sản phẩm cho người dân để phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống, chú trọng công tác kiểm tra hiệu quả sử dụng việc hỗ trợ các chính sách...
Sau buổi giám sát tại huyện Hạ Lang, đoàn tiếp tục làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT về việc thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh./.