Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại thác Nà Pheo, Nà Phường, thác Bản Sầm, Bách Thảo Homestay Tà Lùng; điểm du lịch cộng đồng Pác Rằng.
Qua khảo sát cho thấy, các điểm du lịch tại huyện Quảng Hòa có nhiều chuyển biến tích cực; hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch từng bước được đầu tư; công tác quảng bá xúc tiến về du lịch ngày càng được chú trọng và phát huy tác dụng. Việc huy động có hiệu quả các nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển du lịch bước đầu đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh về du lịch của huyện, tạo ra những sản phẩm du lịch thu hút khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có tình trạng mở ra nhiều điểm du lịch cộng đồng tự phát, làm du lịch với tâm lý “mạnh ai nấy làm” hoặc theo kiểu phong trào ồ ạt, không có chương trình, chiến lược bài bản khiến việc phát triển du lịch cộng đồng xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế như: điểm ngắm Thác Thoong Rung; thác Nà Phường; thác Bản Sầm… làng du lịch cộng đồng Pác Rằng (Quảng Hòa) được nhà nước đầu tư nhưng do ảnh hưởng của tiếng ồn của nghề rèn nên không phù hợp với việc nghỉ dưỡng của du khách khu du lịch không phát huy được hiệu quả…
Tại các đơn vị đã kiến nghị với đoàn khảo sát như: thời gian tới chính quyền các địa phương cần có định hướng, kế hoạch phát triển bài bản, khoa học và thiết thực, tạo cơ sở xây dựng chính sách phù hợp, nâng cấp hạ tầng cơ sở, hỗ trợ người dân phát triển du lịch một cách bền vững qua việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức làm du lịch. Huy động sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể trên địa bàn như: y tế, đoàn thanh niên, lực lượng an ninh... tham gia hỗ trợ người dân để hoạt động du lịch cộng đồng thật sự phát huy hiệu quả.
Thay mặt đoàn khảo sát, đồng chí Nông Hải Lưu, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, ghi nhận sự cố gắng của các đơn vị đã phục hồi các hoạt động du lịch sau đại dịch Covid-19, các kiến nghị của các đơn vị đoàn sẽ tổng hợp và đề xuất với Thường trực HĐND tỉnh trong thời gian tới./.