Từ năm 2022 - 2024 huyện Nguyên Bình triển khai thực hiện 131 dự án/kế hoạch với tổng dự toán được phê duyệt gần 99 tỷ đồng (trong đó: nguồn vốn sự nghiệp của các Chương trình MTQG hơn 85 tỷ đồng; nhân dân đối ứng hơn 6 tỷ đồng và chủ trì liên kết đối ứng hơn 7,7 tỷ đồng); Có 2.638 lượt hộ dân đã tham gia thực hiện các kế hoạch/ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó: 1.760 hộ nghèo; 759 hộ cận nghèo, 05 hộ mới thoát nghèo và 114 hộ khác. Đến hết năm 2024 số kinh phí các chương trình MTQG đã giải ngân là hơn 69,69/85,14 tỷ đồng (đạt hơn 81,85%). Trong số 131 dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất của huyện có 16 dự án liên kết theo chuỗi giá trị do cấp huyện làm chủ đầu tư (tổng dự toán được phê duyệt là hơn 31 tỷ đồng) và 115 dự án phát triển sản xuất cộng đồng do cấp xã làm chủ đầu tư (tổng dự toán được phê duyệt là gần 68 tỷ đồng). Tại 131 dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất này, có 94 dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi (cung cấp con giống: trâu, bò, lợn, gà..) cho 1.784 lượt hộ; 17 dự án hỗ trợ trồng cây lâm nghiệp (cây quế, trúc sào…), với 325 lượt hộ tham gia; còn lại là các dự án hỗ trợ trông trọt (cây thạch đen, rong riềng, mận đào…) với 529 lượt hộ tham gia
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn như: năm 2022 các văn bản hướng dẫn của trung ương chưa kịp thời, chưa đồng bộ; một số đối tượng thụ hưởng chính sách còn trông chờ ỉ lại; phong tục tập quán sản xuất của bà con còn lạc hậu nên ảnh hưởng đến việc tiếp nhận các mô hình sản xuất, áp dung khoa học kỹ thuật vào sản xuất…
Tại buổi giám sát các thành viên đoàn giám sát đề nghị UBND huyện làm rõ một số nội dung: công tác thẩm định các dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất của huyện? công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách trên địa bàn huyện? sự đảm bảo về đầu ra của các chuỗi liên kết hỗ trợ phát triển sản xuất và sự bền vững của các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất sau khi nhà nước không tiếp tục hỗ trợ con giống, cây giống cho nhân dân..
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bàn Quý Sơn, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách; đảm bảo công tác hỗ trợ sản xuất hiện nay sẽ tác động tích cực đến tỷ lệ giảm hộ nghèo những năm tiếp theo; trong công tác lựa chọn nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện cần có định hướng cho nhân dân (không phải chỉ thẩm định trên cơ sở đề xuất của nhân dân), đồng thời nghiên cứu các loại cây có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho nhân dân…
Trước đó, đoàn đi giám sát thực địa và làm việc với UBND xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn xã.