Từ năm 2022 đến 2024, huyện Trùng Khánh có 175 dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất đã và đang được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện (cấp huyện thực hiện 22 dự án/kế hoạch, cấp xã thực hiện 153 dự án); tổng dự toán của 175 dự án/kế hoạch khi được phê duyệt là gần 158 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn sự nghiệp các Chương trình MTQG gần 92,4 tỷ đồng; Nhân dân đối ứng gần 64 tỷ đồng; Chủ trì liên kết đối ứng: 1,570 tỷ đồng. Đến hết năm 2024 toàn huyện đã giải ngân nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia được 87/92,4 tỷ đồng (đạt 94,35%); Có 11.756 lượt hộ dân tham gia các dự án/kế hoạch (trong đó: 6.312 hộ nghèo, 4.336 hộ cận nghèo, 209 hộ mới thoát nghèo và 899 hộ khác).
Trong số 175 dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai trên địa bàn huyện có: 111 dự án/kế hoạch Hỗ trợ phát triển chăn nuôi (cung cấp con giống: trâu, bò, lợn, gà, vịt); 02 dự án Hỗ trợ trồng cây lâm nghiệp và 62 dự án Hỗ trợ trồng trọt (dong riềng, thuốc lá, cây ăn quả..). Sau khi triển khai các dự án đã góp phần làm tăng tổng đàn chăn nuôi trên địa bàn, mở rộng diện tích các cây trồng, cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, giai đoạn của huyện; đời sống, thu nhập của các hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước được cải thiện, tỷ lệ giảm hộ nghèo trên địa bàn huyện bình quân hằng năm đều giảm trên 5%/năm… Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn huyện còn gặp khó khăn do hoạt động sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên - mùa vụ, trên địa bàn huyện có ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp..
Tại buổi giám sát các thành viên đoàn giám sát đã có một số ý kiến đề nghị huyện làm rõ như: hiệu quả, tính bền vững của việc thực hiện các mô hình phát triển sản xuất sau khi nhà nước hết hỗ trợ con giống, cây giống; khó khăn vướng mắc (về cơ chế chính sách, về điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của địa phương khi triển khai chính sách…); sự phù hợp của các quy định của HĐND tỉnh (về khả năng hấp thụ vốn theo tỷ lệ phân bổ vốn cho huyện để thực hiện chính sách, mức tối đa 01 dự án cấp huyện, cấp xã được phê duyệt, khả năng đối ứng của người dân tham gia các dự án…); tỷ lệ dự án thực hiện ở cấp huyện và cấp xã; chất lượng thẩm định và phê duyệt các dự án/kế hoạch để đảm bảo chính đạt được mục tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra…
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn đề nghị: UBND huyện tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách; đảm bảo công tác hỗ trợ sản xuất hiện nay sẽ tác động tích cực đến tỷ lệ giảm hộ nghèo những năm tiếp theo; trong công tác lựa chọn nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện cần có định hướng cho nhân dân trong lựa chọn nội dung hỗ trợ để tận dụng tốt lợi thế của địa phương; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chủ trì liên kết/đơn vị cung ứng các loại con giống phối hợp thực hiện nhân giống tăng tổng đàn vật nuôi…
Trước đó, đoàn đi giám sát thực địa một số mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất do UBND xã Đình Phong và UBND huyện Trùng Khánh làm chủ đầu tư trên địa bàn xã Đình Phong.