Từ năm 2022 tỉnh Cao Bằng bắt đầu được giao vốn của giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện chính sách. Sau 03 triển khai thực hiện (2022-2024) trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt và triển khai thực hiện 1.605 dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG (trong đó: 1.475 dự án cộng đồng; 130 kế hoạch liên kết); tổng kinh phí thực hiện 1.402,024 tỷ đồng (trong đó: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 917.821 triệu đồng, đơn vị chủ trì liên kết đối ứng 5.256 triệu đồng, nhân dân đối ứng 478.947 triệu đồng). Đến hết năm 2024 tổng số kinh phí nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia đã giải ngân là hơn 846 tỷ đồng (chiếm hơn 92%); 69.225 lượt hộ dân tham gia các dự án/kế hoạch (Trong đó có: 40.370 lượt hộ nghèo, 21.043 lượt hộ cận nghèo, 1.797 lượt hộ mới thoát nghèo và 6.015 lượt hộ khác).
Trong 1.605 dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất có 960 dự án/kế hoạch Hỗ trợ Phát triển chăn nuôi (cung cấp các loại con giống: trâu, bò, lợn, dê..); 277 dự án/kế hoạch Hỗ trợ trồng cây lâm nghiệp (trồng hồi, quế, mác ca, keo, trúc sào…); 305 dự án/kế hoạch Hỗ trợ trồng trọt (trồng lạc, mía, chè, dâu tằm, gai xanh, ngô, các loại cây ăn quả…); 63 dự án/kế hoạch Hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi và Hỗ trợ vật tư, nguyên liệu, công cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Các dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh phù hợp với định hướng, quy hoạch, chủ trương phát triển ngành nông nghiệp theo Đề án số 21-ĐA/TU ngày 30/8/2019 của Tỉnh ủy Cao Bằng Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030.
Ngoài ra, từ nguồn vốn thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, từ năm 2022-2024, trên địa bàn còn thực hiện được một số nội dung: Quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP; hỗ trợ được trên 150 lượt chủ thể tham gia các sự kiện, lễ hội, hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản tại các tỉnh thành phố; tổ chức thành công Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng; Tổ chức 24 cuộc học tập, trao đổi kinh nghiệm thực hiện dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất trong và ngoài tỉnh; Hỗ trợ 1.094 lớp tập huấn ngắn ngày, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng vật nuôi; hỗ trợ xây dựng 1.361 chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ 07 nhà màng; hỗ trợ 1.210 máy móc trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã có tác động tích cực đến ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh: Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 ước đạt 2,91%/năm, tăng 0,31% so với giai đoạn 2016-2020 (2,6%). Giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên 01 đơn vị diện tích (ha) đạt 50 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng dần tỷ trọng các ngành chăn nuôi, lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp. Các doanh nghiệp, HTX tham gia kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, hiện đại vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản..
Tại buổi giám sát các thành viên đoàn giám sát đã có một số ý kiến đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường làm rõ: Số dự án/kế hoạch liên kết phát triển sản xuất còn ít, chủ yếu là các dự án hộ trợ phát triển cộng đồng (do cấp xã làm chủ đầu tư); phương thức hỗ trợ cho nhân dân chưa có nhiều đổi mới so với giai đoạn trước (2015- 2020), trách nhiệm định hướng về chuyên môn của Sở với triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ? Đối với các dự án sau khi có ý kiến thẩm định thì không triển khai thực hiện nữa thì trách nhiệm của chủ đầu tư có kiểm điểm? Sở có thực hiện khảo sát thực tế trước khi đưa ra ý kiến thẩm định các dự án/ kế hoạch hỗ trợ…?
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn đề nghị: Sở Nông nghiệp và Môi trường cần làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh để thực hiện và định hướng xây dựng dự án, nội dung hỗ trợ, theo đó tập trung hỗ trợ phát triển những sản phẩm đặc hữu, thế mạnh của tỉnh; tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định các dự án/kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và làm tốt công tác tuyên truyền chính sách đến các hộ gia đình và doanh nghiệp/hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết phát triển sản xuất…
Trước đó, đoàn đi giám sát thực địa một số kế hoạch liên kết phát triển sản xuất do cấp tỉnh phê duyệt tại địa bàn huyện Hà Quảng.