Tuy nhiên, theo đánh giá của BHXH tỉnh, Luật BHXH năm 2014 còn những bất cập như: Quy định chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nên đối tượng này thiếu quan tâm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động làm thuê cho họ.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 3 trường hợp có tổng thời gian tham gia BHXH đủ 20 năm và đủ điều kiện về tuổi đời theo quy định, nhưng chưa thể giải quyết chế độ hưu trí cho người tham gia, do chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết các chế độ BHXH đối với trường hợp có thời gian tham gia BHXH bắt buộc là chủ hộ kinh doanh cá thể. So với chế độ BHXH bắt buộc, thì người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng ít quyền lợi hơn, trong khi thời gian đóng lại kéo dài, gây nên tâm lý so sánh và không ưu tiên tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể, BHXH bắt buộc áp dụng 5 chế độ, nhưng BHXH tự nguyện mới triển khai có 2 chế độ hưu trí và tử tuất.
Bên cạnh đó, mức hỗ trợ của Nhà nước cho người dân tham gia BHXH tự nguyện còn tương đối thấp. Do đó, không khuyến khích được nhiều người tham gia, nhất là những người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Công tác khởi kiện người sử dụng lao động chậm đóng BHXH còn vướng mắc; trình tự, thủ tục khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng BHXH ra Tòa án nhân dân phức tạp.
Từ những khó khăn, bất cập trong quá trình thi hành Luật, BHXH tỉnh đề xuất, kiến nghị bổ sung thêm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, cho phép ghi nhận thời gian đã đóng BHXH bắt buộc đối với đối tượng là chủ hộ kinh doanh cá thể để giải quyết hưởng các chế độ BHXH. Cần bổ sung quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện và điều chỉnh giảm tuổi về hưu đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Đề nghị Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện; đồng thời, xem xét quy định mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia là dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn. HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét ban hành chính sách hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia ngoài mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, ngày 29/12/2015 của Chính phủ. Các cơ quan Trung ương xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn, giải quyết số tiền chậm đóng của các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn trao đổi, đề nghị làm rõ thêm nguyên nhân dẫn đến một số chỉ tiêu còn đạt thấp như: Tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật; công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện luật; công tác thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền. Thực trạng người lao động rút BHXH một lần; tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH...
Phát biểu kết luận, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bế Minh Đức ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của BHXH tỉnh trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về BHXH. Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của đại biểu tại buổi làm việc để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết, sửa đổi và hoàn thiện phù hợp với thực tiễn. Đề nghị BHXH tỉnh phối hợp với các đơn vị nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp nợ đọng BHXH, số tiền chậm đóng, nhất là các đơn vị là cơ quan Nhà nước, đối với cán bộ công chức, đặc biệt là cán bộ không chuyên trách.
Tác giả: Vũ Tiệp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn