Xã Đình Phùng có 8 xóm hành chính, với 606 hộ, hơn 3.000 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Dao chiếm trên 65%; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 90%; trên địa bàn xã còn 4 xóm chưa có điện. Do ảnh hưởng cơn bão số 3 vừa qua, xã Đình Phùng có 168 hộ bị ảnh hưởng nhà ở, trong đó: 57 ngôi nhà thuộc diện phải di dời khẩn cấp. 99 ngôi nhà bị ảnh hưởng dưới 30%. 12 ngôi nhà bị ảnh hưởng trên 30%, 03 chuồng trại chăn nuôi bị đất đá sạt lở thiệt hại trên 500 triệu đồng. Mưa lớn gây ngập úng và vùi lấp ruộng lúa ở nhiều hộ dân trên các xóm trên địa bàn ước thiệt hại trên 40 ha diện tích; hoa màu, cây trồng khác thiệt hại trên 6 ha. Công trình mương thủy lợi các xóm nhiều nơi bị sạt lở, hư hỏng. Các đường giao thông trên địa bàn xã do huyện, xã quản lý bị chia cắt do đất đá sạt lở với khối lượng lớn nhiều vị trí; Tuyến Nhà máy thủy điện Bản Pắt - Nặm Pắt tiếp tục có nguy cơ sạt lở tại nhiều vị trí. Tổng thiệt hại về tài sản, nhà ở và hoa màu ước trên 7 tỷ đồng.
Sau khi xảy ra thiên tai, xã huy động toàn bộ lực lượng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân bị thiệt mạng tại điểm sạt lở Khuổi Ngọa, xã Ca Thành (Nguyên Bình) trôi về khúc suối trên địa bàn xã; tổ chức trục vớt được 12 xác nạn nhân bàn giao cho gia đình. Tiếp nhận các nguồn cứu trợ của các nhà hảo tâm ủng hộ nhân dân trên địa bàn, tổ chức phát quà, nhu yếu phẩm đến các hộ gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai.
Tại nơi đến thăm hỏi chia sẻ. Công ty TNHH Tân Phú Minh, Công đoàn Kinh tế của Quốc hội, Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SaiGonTel), các mạnh thường quân ở Hà Nội, gia đình Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đình Việt trao quà cho 30 hộ dân xã Đình Phùng, mỗi hộ 2 triệu đồng và các nhu yếu phẩm (gạo, chăn, bột giặt, nước rửa bát); tặng 200 ba lô cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS; trao 35 triệu đồng cho huyện hỗ trợ lực lượng tìm kiếm cứu nạn khắc phục hậu quả thiên tai.
Xã Huy Giáp có 10 xóm hành chính, với trên 700 hộ, 3.900 nhân khẩu, dân tộc Dao chiếm gần 80%. Do ảnh hưởng cơn bão số 3, xã có 1 người tử vong trên chuyến xe gặp nạn tại Khuổi Ngọa, xã Ca Thành (Nguyên Bình); 11 hộ bị ngập úng hoàn toàn; 2 hộ bị sạt lở sập tường nhà; 35 hộ có nguy cơ bị sạt lở cần phải di dời; mưa lớn gây ngập úng hoa màu tại một số xóm, trong đó 24,4 ha lúa mùa bị ảnh hướng, 15 tấn ngô bị ngập trong nước, một số chuồng trại, vật nuôi, máy móc nông nghiệp bị hư hỏng, ước thiệt hại 380 triệu đồng. Mưa lớn kéo dạt gây sạt lở đất với khối lượng lớn, ách tắc giao thông tại các tuyến tỉnh lộ 202, 215; 6 tuyến đường xóm giao thông bị tê liệt hoàn toàn.
Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã huy động lực lượng di dời tài sản đến nơi an toàn đối với các hộ có nguy cơ bị ngập úng; hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị thiệt hại; tiếp nhận 2,5 tấn gạo từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; 600 triệu đồng và một số nhu yếu phẩm (mỳ tôm, sữa, lương khô, quần áo, nước lọc…). Chỉ đạo các lực lượng nhân dân xóm Bản Ngà tham gia tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân vụ sạt lở Khuổi Ngọa, xã Ca Thành (Nguyên Bình), đã trục vớt được 4 thi thể nạn nhân và bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Đoàn trao quà cho 30 hộ dân xã Huy Giáp, mỗi hộ 2 triệu đồng và các nhu yếu phẩm (10 kg gạo, chăn, bột giặt, nước rửa bát); tặng 477 ba lô cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS; giao cho xã 45 bao gạo, 224 chăn ấm, trên 6.700 bát, thìa, đũa…để tiếp tục gửi đến bà con nhân dân.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đình Việt chia sẻ những mất mát, thiệt hại đối với các xã. Đề nghị cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn khi có dự báo không chủ quan với diễn biến thiên tai, mưa lũ, cần thường xuyên thường trực cảnh giác và chủ động các phương án ứng phó sạt lở đất, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tiếp tục rà soát các hộ dân còn đang sống trong vùng có nguy cơ sạt lở di chuyển đến nơi an toàn; có phương án hỗ trợ sản xuất cho bà con do diện tích nông nghiệp đã bị vùi lấp; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ người dân đảm bảo ổn định cuộc sống.